Quay lại

Đề án đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành quản lý đô thị

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

25/04/2024 : 21:04

Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM chủ trì thực hiện, TS. Phạm Tấn Hạ làm chủ nhiệm, được nghiệm thu năm 2023.

Nhiệm vụ này là đề án thành phần của Đề án tổng thể Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (08 ngành) giai đoạn 2020 - 2035 và Đại học chia sẻ. Mục tiêu chung của nhiệm vụ (đề án) là đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành quản lý đô thị (QLĐT); là cơ sở để TP.HCM triển khai chương trình giáo dục đại học theo hướng chuẩn hóa và hội nhập quốc tế. Thông qua việc định hình khung chương trình đào tạo (CTĐT) ngành QLĐT đáp ứng cho nhu cầu phát triển của TP.HCM và các nước trong khu vực, đề án sẽ giúp tăng cường gắn kết giữa các cơ sở giáo dục đại học và giữa các cơ sở giáo dục với các đơn vị sử dụng lao động, người học và cả xã hội trong toàn bộ quá trình đào tạo.

Trong công tác đào tạo về lĩnh vực đô thị hiện nay, có một thực tế là các trường đại học (ĐH) của Việt Nam chú trọng đào tạo ra các nhà thực hành và kỹ thuật, quy hoạch thiết kế đô thị, thiếu hẳn các nhà phát triển và QLĐT như kinh tế đô thị, xã hội học đô thị, nhân học đô thị và những nhà làm công tác QLĐT, nghiên cứu về đô thị, đô thị học ở các cấp độ khác nhau (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ). Các trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Kiến trúc TP.HCM, ĐH Xây dựng Hà Nội và nhiều trường đại học công lập lẫn tư thục có khoa kiến trúc, quy hoạch, quy hoạch vùng,… trên thực tế là đào tạo ra các nhà kỹ thuật xây dựng và kỹ thuật thiết kế công trình. Những năm gần đây, lãnh đạo của Bộ Xây dựng, lãnh đạo các trường đại học, các hiệp hội đô thị (Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị, Hội Xây dựng và Cơ sở Hạ tầng) đều nhận thấy sự thiếu hụt này, nhưng chưa có giải pháp nào khắc phục ngoài việc mở rộng thêm một vài môn học về kinh tế - xã hội cho sinh viên, học viên cao học.

Thực tiễn hơn 30 năm phát triển đô thị cũng cho thấy nhiều vấn đề của đô thị như quan hệ cộng đồng đô thị, đền bù giải tỏa, huy động nguồn lực, đánh giá dự án, phản biện kinh tế - xã hội, văn hóa đô thị… thì các nhà kỹ thuật, thực hành như kiến trúc sư, kỹ sư không thể giải quyết trọn vẹn được. Thực tế QLĐT ở Việt Nam, chủ yếu là TP.HCM, vẫn được tiếp cận và nhìn nhận từ các góc độ riêng biệt mà chưa có cái nhìn toàn diện về đô thị như một thực thể thống nhất trong không gian và sự phát triển. Trong bức tranh chung, QLĐT vẫn tập trung chủ yếu vào khía cạnh kỹ thuật mà chưa đặt nhiều sự chú trọng vào các khía cạnh xã hội, con người và kỹ năng quản lý. Điều này gây ra những khó khăn trong việc tổ chức và phân bổ nguồn lực, xây dựng chính sách và chiến lược phát triển đô thị, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và Nghị quyết số 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 01/8/2023.

QLĐT nói riêng và khoa học về đô thị là ngành học ra đời và định hình từ sớm ở Bắc Mỹ (Mỹ và Canada) từ những năm 1950. Các trường đại học lớn ở Bắc Mỹ đều có ngành đào tạo về đô thị học và QLĐT như tại San Francisco State University, The University of New Orleans (Mỹ); The University of British Columbia, University of Toronto, Calgary University (Canada); châu Âu cũng có một số trường có đào tạo như ĐH Wittenberg, ĐH Darmstadt (Đức), ĐH Strasbourg (Pháp),... Ở các nước châu Á, đô thị học được hình thành muộn hơn vào khoảng những năm 1970 khi tiến trình đô thị hóa được đẩy nhanh về tốc độ và gia tăng về quy mô ở mức chưa từng thấy. Hiện nay, QLĐT được coi là ngành khoa học mũi nhọn và quan trọng đối với các nước đang phát triển ở châu Á.

Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN và mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN tầm nhìn đến năm 2025. Cam kết giữa chính phủ các nước ASEAN về xây dựng mạng lưới các thành phố thông minh trong khu vực ASEAN đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 tổ chức tại Singapore vào tháng 4/2018. Việt Nam có 3 thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng gia nhập vào mạng lưới 26 các thành phố thông minh ASEAN. Mạng lưới này sẽ hợp tác cùng nhau hướng tới mục tiêu phát triển đô thị thông minh và bền vững. Để có thể hoàn thành 7 chương trình đột phá, đưa TP.HCM phát triển nhanh, bền vững, hòa vào mạng lưới các thành phố thông minh trong ASEAN, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế của đội ngũ làm công tác QLĐT là rất cần thiết.

Đề án Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành QLĐT được thực hiện dựa trên các chính sách phát triển đô thị tại Việt Nam cũng như các căn cứ pháp lý của UBND TP. Hồ Chí Minh về việc đào tạo nhân lực bậc đại học và sau đại học có trình độ quốc tế đối với 8 ngành trọng điểm (Công nghệ Thông tin - Truyền thông; Cơ khí - Tự động hóa; Trí tuệ nhân tạo; Quản trị doanh nghiệp; Tài chính - Ngân hàng; Y tế; Du lịch; Quản lý đô thị), góp phần phát triển lực lượng lao động có chất lượng cao, đổi mới toàn diện giáo dục, đáp ứng xu thế toàn cầu hóa lực lượng lao động. Đề án được triển khai với kỳ vọng và niềm tin TP.HCM sẽ quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ QLĐT hội đủ “Kiến thức”, “Kỹ năng” và “Thái độ” theo yêu cầu của bối cảnh mới. Nguồn nhân lực ngành QLĐT được phân tích thông qua các dữ liệu điều tra về thực trạng, chất lượng, yêu cầu và nhu cầu. Trình độ quốc tế ngành QLĐT (theo cách tiếp cận tổng thể trong quản lý nguồn nhân lực thời đại Công nghiệp 4.0) được định rõ bằng các chỉ báo về “Năng lực kỹ thuật” (Technical competencies), “Năng lực về phương pháp luận” (Methodological competencies), “Năng lực xã hội” (Social competencies) và “Năng lực cá nhân” (Personal competencies).

Bằng phương pháp nghiên cứu tư liệu thứ cấp, đề án tổng quan các nghiên cứu liên quan, các chương trình đào tạo trong nước và quốc tế. Đồng thời thu thập thông tin sơ cấp (500 bảng hỏi và 150 phỏng vấn sâu) trên 3 nhóm đối tượng: (1) các cán bộ, chuyên viên của cơ quan sở ban ngành, phòng QLĐT ở cấp quận huyện; (2) các trường đại học có các ngành gần, ngành liên quan như xây dựng, môi trường, luật; (3) các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh, làm việc liên quan đến xây dựng và phát triển đô thị. Qua đó, đề án đã giải quyết được những mục tiêu cụ thể như: cơ sở lý luận và thực tiễn có liên quan công tác đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành QLĐT của các cơ sở giáo dục đại học trong nước và quốc tế; xây dựng được mô hình đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành QLĐT cho TP.HCM; đề xuất giải pháp thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành QLĐT tại TP.HCM.

05KQNCLVdaotaonhanlucquanlydothih2.jpg

Danh sách các học phần theo nhóm kiến thức đề xuất của CTĐT ngành QLĐT quốc tế 

Trong nội dung nghiên cứu xây dựng mô hình/khung CTĐT ngành QLĐT cho TP.HCM, thông qua việc nghiên cứu mô hình/chương trình đào tạo ngành QLĐT ở một số quốc gia, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp và đối sánh một số chương trình đào tạo cùng ngành QLĐT (hoặc ngành gần) của các trường khác ở Việt Nam và trên thế giới, từ đó đề xuất khung CTĐT phù hợp cho ngành QLĐT tại TP.HCM. Kết quả đối sánh chương trình đào tạo về mục tiêu đào tạo hay chuẩn đầu ra và học phần trong chương trình cho thấy có rất nhiều sự tương đồng. Điểm tương đồng này là minh chứng cho thấy hướng đào tạo trong nước không có nhiều khác biệt lớn so với thế giới. Điểm riêng biệt đến từ khối đào tạo, lĩnh vực QLĐT trong khối khoa học xã hội nhân văn so với các nước thì ở Việt Nam ít được chú trọng hơn. Kết quả tổng hợp và đối sánh chuẩn đầu ra và học phần trong chương trình đào tạo của 3 khối đào tạo ở các nước thuộc châu Mỹ, châu Âu và châu Á cho thấy những đặc điểm chung bao gồm đối tượng đào tạo, ngành đào tạo, thời gian đào tạo, cấp bậc đào tạo. Bên cạnh đó, khối ngành đào tạo sẽ có những đặc thù riêng để phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội và định hướng phát triển của mỗi quốc gia hoặc vùng đô thị, lãnh thổ.

Về kế hoạch triển khai và giải pháp thực hiện chương trình đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành QLĐT tại TP.HCM, nhóm đã xây dựng được kế hoạch triển khai tổng thể đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành QLĐT cho toàn bộ giai đoạn 2021 - 2035, kế hoạch chi tiết cho việc triển khai chương trình đào tạo, kế hoạch chi tiết cho việc nâng cao năng lực cơ sở vật chất, con người trong đào tạo - nghiên cứu cũng như đề xuất các giải pháp, kiến nghị để thực hiện chương trình. Trong đó, một số giải pháp ưu tiên được đề xuất liên quan đến nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của cơ sở tham gia đào tạo, chính sách hỗ trợ về tăng cường hội nhập quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu, sự liên kết với doanh nghiệp và các tổ chức chính phủ,…

Về nguồn nhân lực, nhóm nghiên cứu đề xuất đào tạo đội ngũ kế cận bậc tiến sĩ, ưu tiên đội ngũ giảng viên giỏi đang công tác tại các cơ sở đào tạo; thu hút đội ngũ nhân lực trình độ tiến sĩ trong và ngoài nước có trình độ chuyên môn và năng lực ngoại ngữ. Cần có chính sách thu hút làm việc theo thời gian công tác đóng góp cho chương trình của đề án. Đội ngũ này đảm nhận tốt việc giảng dạy lẫn nghiên cứu khoa học, đáp ứng mục tiêu của chương trình là phải đáp ứng kiến thức chuyên môn, có phương pháp giảng dạy và vận dụng được sự cập nhật kiến thức mới trong quá trình giảng dạy nhằm giúp cho sinh viên tiếp cận kiến thức mới của ngành đào tạo.

Về cơ sở vật chất của cơ sở tham gia đào tạo, cần đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, môi trường học tập và làm việc đảm bảo tốt để phục vụ cho việc đào tạo ngành QLĐT quốc tế. Trong quá trình đào tạo, cơ sở đào tạo có thể sử dụng/tham quan các trung tâm điều hành thành phố thông minh của Thành phố để sinh viên có thể học tập, thực hành, nghiên cứu… Ngoài ra, cần thiết lập một môi trường học tập và nghiên cứu thuận lợi, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Điều này bao gồm cải thiện cơ sở vật chất, phòng học và phòng thí nghiệm, đảm bảo tiện nghi và trang bị hiện đại để sinh viên, giảng viên có thể nghiên cứu và học tập, giảng dạy một cách hiệu quả.

Về chính sách hỗ trợ tăng cường hội nhập quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học của chương trình, nhóm nghiên cứu đề xuất Thành phố/Đại học Quốc gia có thể hỗ trợ các cơ sở đào tạo thực hiện các hoạt động hỗ trợ về kinh phí, chính sách triển khai từ việc xây dựng và triển khai chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, các hoạt động sinh hoạt học thuật như hội thảo quốc tế về ngành QLĐT, có kinh phí cho các hoạt động trao đổi sinh viên, giảng viên đi thực tập, nghiên cứu các cơ sở đào tạo về QLĐT ở nước ngoài,…

Về giải pháp tăng cường sự liên kết với doanh nghiệp và các tổ chức chính phủ, việc hợp tác với các doanh nghiệp địa phương trong việc đào tạo và tuyển dụng nhân lực sẽ giúp đảm bảo tính ứng dụng và thực tế của CTĐT. Đồng thời, sự hỗ trợ từ các tổ chức chính quyền sẽ giúp đẩy mạnh và thúc đẩy chương trình đào tạo ngành QLĐT trình độ quốc tế tại TP.HCM.

Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất đơn vị đào tạo, phối hợp đào tạo tham gia thực hiện đề án đào tạo. Trước mắt, để kịp tiến độ triển khai trong giai đoạn 1 (2024 - 2030), Khoa Đô thị học - Trường ĐHKHXH&NV là đơn vị chủ trì triển khai, phối hợp với các cơ sở đào tạo đại học trên địa bàn Thành phố như ĐH Kiến trúc, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, các cơ quan quản lý nhà nước như Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên và Môi trường, các doanh nghiệp trong và ngoài nước liên quan đến công tác quản lý và phát triển đô thị,… tham gia vào công tác đào tạo học phần, chuyên đề, báo cáo khoa học, hội thảo quốc tế, thực tập và nghiên cứu khoa học.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Tin liên quan