PGS.TS Hoàng Chí Thiêm chia sẻ góc nhìn khoa học về sự sống ngoài Trái đất
15/01/2024 12
Chiều 9.1, tại Trung tâm Khám phá Khoa học và Ðổi mới sáng tạo, PGS.TS Hoàng Chí Thiêm (Viện Khoa học thiên văn và vũ trụ Hàn Quốc – KASI) đã có buổi nói chuyện với công chúng yêu khoa học tại Bình Định về chủ đề “Sự sống ngoài Trái đất: Có hay không?”.
Tại buổi nói chuyện, PGS.TS Hoàng Chí Thiêm đã cung cấp nhiều thông tin hấp dẫn xoay quanh câu hỏi liệu có tồn tại sự sống ngoài Trái đất hay không. Ông chia sẻ về nguồn gốc của sự sống, quá trình hình thành các hành tinh, ngôi sao và sự có mặt của các chất hữu cơ cần thiết cho sự sống.
PGS.TS Hoàng Chí Thiêm giải đáp các câu hỏi liên quan sự sống ngoài Trái đất. Ảnh: Bảo Hiếu
Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến các phương pháp mới để khám phá sự sống trong vũ trụ. Nhiều câu hỏi thú vị cũng được công chúng đưa ra xoay quanh vấn đề này, như: Có dạng sống nào khác cấu tạo từ những chất hữu cơ như chúng ta biết không? Liệu có dạng sống xuất phát từ các chất mà chúng ta gọi là chất vô cơ hay không? Các hành tinh bị bắn ra khỏi hệ ngôi sao, thì sự sống có phát triển trên các hành tinh đó hay không?... Những thắc mắc của công chúng yêu khoa học đã nhận được sự giải đáp rõ ràng, dễ hiểu từ PGS.TS Hoàng Chí Thiêm.
Buổi nói chuyện thu hút đông đảo công chúng yêu khoa học, nhất là các bạn trẻ tham dự. Ảnh: Bảo Hiếu
Với kiến thức sâu rộng về lĩnh vực vật lý thiên văn, PGS.TS Hoàng Chí Thiêm đã mang đến cho công chúng cái nhìn khoa học đầy thú vị về sự sống ngoài Trái đất. Buổi chia sẻ của ông chắc chắn sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của cộng đồng yêu khoa học trong thời gian tới.
PGS.TS Hoàng Chí Thiêm - nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Khoa học vũ trụ và Thiên văn Hàn Quốc (KASI), Phó giáo sư tại ĐH KH&CN Hàn Quốc chủ yếu nghiên cứu về bụi và từ trường trong vũ trụ, nhằm làm sáng tỏ nguồn gốc các ngôi sao, hành tinh và sự tồn tại của sự sống trong vũ trụ. Ông đã đoạt giải thưởng dành cho nghiên cứu sau tiến sĩ của Viện Vật lý thiên văn lý thuyết Canada và Quỹ Humboldt (Đức); giải thưởng Khoa học năm 2022 của Hiệp hội Thiên văn học Hàn Quốc.
KHÁNH LINH