Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

06/04/2025 8


Ngày 22.12.2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo (KH&CN, ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Nghị quyết được đánh giá là một chiến lược mang tính đột phá khi xác định rõ phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS quốc gia là động lực then chốt để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại.

Mục tiêu của Nghị quyết là đưa Việt Nam trở thành nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển AI. Ảnh: HH

Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị

1. Phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển KT-XH, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

2. Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và Nhân dân đối với phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS quốc gia. Xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng. 

Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS quốc gia.

3. Thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Chú trọng bảo đảm nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS quốc gia; có cơ chế, chính sách đặc biệt về nhân tài. 

Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí”; làm giàu, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu.

4. Phát triển nhanh và bền vững, từng bước tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược; ưu tiên nguồn lực quốc gia đầu tư cho phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS. Phát huy tối đa tiềm năng, trí tuệ Việt Nam gắn với nhanh chóng tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chú trọng nghiên cứu cơ bản, tiến tới tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở một số lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, tiềm năng, lợi thế.

5. Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin của tổ chức và cá nhân là yêu cầu xuyên suốt, không thể tách rời trong quá trình phát triển KH&CN, ĐMST và CĐS quốc gia.

Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tạo đột phá. Ảnh: HH

Mục tiêu

1. Đến năm 2030

- Tiềm lực, trình độ KH&CN, ĐMST đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, ĐMST của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế. Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có 5 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến.

- Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt tối thiểu 50%. Quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GDP. Tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân và doanh nghiệp đạt trên 80%; giao dịch không dùng tiền mặt đạt 80%. Tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST đạt trên 40% trong tổng số doanh nghiệp. 

- Quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số, hình thành sàn giao dịch dữ liệu. 

Phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hoá số đạt mức cao của thế giới. Việt Nam thuộc nhóm các nước dẫn đầu về an toàn, an ninh không gian mạng, an ninh dữ liệu và bảo vệ dữ liệu.

2. Tầm nhìn đến năm 2045

KH&CN, ĐMST và CĐS phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về ĐMST và CĐS. Tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.

Nghị quyết đề ra 7 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

1. Nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy:

Yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của chuyển đổi số, KHCN và đổi mới sáng tạo. Người đứng đầu trực tiếp phụ trách, cán bộ đảng viên gương mẫu thực hiện. Triển khai phong trào “học tập số”, phổ cập kiến thức công nghệ. Tôn vinh, khen thưởng xứng đáng các nhà khoa học, sáng chế.

2. Hoàn thiện thể chế, xóa bỏ rào cản:

Sửa đổi đồng bộ quy định pháp luật về KHCN, đầu tư, mua sắm công. Cải cách cơ chế quản lý tài chính và triển khai nhiệm vụ KHCN. Chấp nhận rủi ro và đầu tư mạo hiểm trong nghiên cứu khoa học. Thống nhất quản lý nhà nước về KHCN, phát triển các viện nghiên cứu. Thu hút, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển KHCN

3. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng:

Ban hành Chương trình phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược. Bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học cho nghiên cứu công nghệ chiến lược. Phát triển hạ tầng số hiện đại với cơ chế hợp tác công-tư. Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia và các trung tâm dữ liệu vùng. Phát triển kinh tế dữ liệu, thị trường dữ liệu và ngành công nghiệp dữ liệu lớn.

4. Phát triển nhân lực chất lượng cao:

Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Chính sách hấp dẫn thu hút học sinh, sinh viên giỏi theo học các ngành kỹ thuật và công nghệ then chốt. Cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao. Xây dựng trường, trung tâm đào tạo tiên tiến về trí tuệ nhân tạo. Phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học đủ năng lực

5. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hệ thống chính trị:

Đưa hoạt động của cơ quan hệ thống chính trị lên môi trường số. Đổi mới toàn diện giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Phát triển nền tảng số an toàn, hình thành công dân số. Bảo đảm an toàn, an ninh mạng và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quốc phòng, an ninh

6. Thúc đẩy hoạt động KHCN trong doanh nghiệp:

Chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho chuyển đổi số. Khuyến khích tinh thần khởi nghiệp về KHCN, đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ hình thành doanh nghiệp công nghệ số chiến lược quy mô lớn. Phát triển khu công nghiệp công nghệ số. Đẩy mạnh tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ trên môi trường số.

7. Tăng cường hợp tác quốc tế:

Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu với các quốc gia có trình độ KHCN phát triển. Chính sách mua, chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam. Chủ động tham gia xây dựng quy tắc, tiêu chuẩn quốc tế về công nghệ mới. Thúc đẩy nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ trong thỏa thuận quốc tế.

HỒNG HÀ

(Nguồn Bản tin KH&CN Bình Định số 01/2025)