Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất mía kém hiệu quả
14/03/2024 21
Chiều 11.3, Hội đồng KH&CN tỉnh đã nghiệm thu nhiệm vụ “Nghiên cứu và chuyển giao một số mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng mía kém hiệu quả gắn liên kết chuỗi tại Bình Định”.
Các thành viên Hội đồng KH&CN tỉnh đánh giá nhiệm vụ có giá trị thực tiễn cao. Ảnh: KL
Nhiệm vụ do Ths Phạm Vũ Bảo, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ làm chủ nhiệm. Sau thời gian nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã xây dựng 2 mô hình với 4 cơ cấu cây trồng trên đất chủ động nước và đất tưới một phần, trong đó các cây trồng đều đạt năng suất cao tương đương vùng trọng điểm. Lợi nhuận của các cơ cấu cây trồng dao động từ 57 - 356 triệu đồng/ha/năm, cao nhất là cơ cấu đậu phộng (vụ Đông Xuân) - cây hành (vụ Hè Thu) - cây hành (vụ Thu Đông).
Để chuyển đổi thành công, chủ nhiệm đề tài khuyến nghị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về chính sách, kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ và khuyến nông. Trong đó, cần quy hoạch cơ cấu cây trồng theo vùng tập trung, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao; áp dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp theo hướng đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đầu tư cơ sở chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm; phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giữa nông hộ với hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp.
Chủ nhiệm đề tài kiến nghị các cơ quan chức năng phổ biến các cơ cấu cây trồng ngắn ngày đến các huyện/thị xã trồng mía của tỉnh để áp dụng, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đồng thời, xây dựng chương trình khuyến nông thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hoàn thiện quy trình canh tác cho các cây trồng trên đất mía.
Hội đồng KH&CN đã nghiệm thu đề tài với kết quả loại: Đạt.
KHÁNH LINH