8 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Khoa học Công nghệ năm 2024
25/01/2024 32
Đây sẽ là năm đánh dấu một bước quan trọng trong sự phát triển của ngành khoa học công nghệ tại Việt Nam, với việc Bộ Khoa học và Công nghệ đặt ra nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ, xác định những công nghệ trọng điểm, công nghệ lõi cần ưu tiên. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2024 sẽ là năm “tăng tốc, bứt phá” thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. 8 nhiệm vụ trọng tâm Bộ KH&CN đề xuất triển khai trong năm 2024, gồm:
Việc hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ảnh: KL
1. Triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là công nghệ sinh học.
Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam có nền công nghệ sinh học tiên tiến thế giới trong một số lĩnh vực then chốt. Việt Nam trở thành một trong 10 nước hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học; đưa vào ứng dụng trong các ngành, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Đến năm 2045, Việt Nam sẽ có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á. Do đó, cần có sự đặc biệt chú trọng và đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực này.
2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật
Việc hoàn thiện chính sách và pháp luật là chìa khóa quan trọng để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, ngành khoa học công nghệ sẽ tập trung sửa đổi các quy định về đầu tư, cơ chế tài chính và xử lý tài sản đối với các hoạt động khoa học công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ sửa đổi, bổ sung 4 bộ luật liên quan, gồm: Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Khoa học và công nghệ; Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Năng lượng nguyên tử. Việc sửa đổi 4 bộ luật quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn và tạo hành lang pháp lý cho hoạt động nghiên cứu. Mục tiêu là tháo gỡ vướng mắc về cơ chế tài chính, tạo cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học.
3. Triển khai Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030.
Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 sẽ được triển khai, với việc xác định công nghệ trọng điểm và lõi cần được ưu tiên đầu tư, nhằm tối ưu hóa nguồn lực và tập trung vào những lĩnh vực có tiềm năng cao.
4. Hoàn thiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học công nghệ.
Cơ chế tự chủ của các tổ chức công lập đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định 60 (ban hành năm 2021) còn gặp nhiều bất cập, chưa phù hợp với đặc thù của hoạt động khoa học công nghệ, gây khó khăn cho quản lý. Vấn đề nhân lực khoa học công nghệ đã đề cập trong Luật Khoa học công nghệ 2013 song vẫn thiếu quy định gắn kết giữa đào tạo giáo dục đại học với hoạt động nghiên cứu, dẫn tới chưa thúc đẩy được các tổ chức có năng lực tự chủ. Do đó, cơ chế tự chủ của các tổ chức khoa học công nghệ cần được cải thiện để phản ánh đúng đặc thù và nhu cầu của ngành; đồng thời giải quyết những bất cập hiện tại, nhất là về nhân sự và quản lý.
5. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ
Tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; thị trường khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư.
6. Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ
Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Đồng thời có các giải pháp đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; kiểm soát dự án đầu tư sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao; xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên khi hết thời hạn hoạt động.
7. Đẩy mạnh các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng
Đẩy mạnh các hoạt động về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; bảo hộ, thực thi quyền sở hữu công nghiệp, khai thác tài sản trí tuệ, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
8. Đẩy mạnh cải cách hành chính và chính phủ điện tử
Cuối cùng, việc đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử là quan trọng nhằm hướng đến Chính phủ số, tạo điều kiện thuận lợi cho cả người dân và doanh nghiệp, Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ.
Những nhiệm vụ trọng tâm này đánh dấu một bước quan trọng cho sự việc phát triển của ngành khoa học công nghệ Việt Nam, mang lại triển vọng và cơ hội cho sự đổi mới và tiến bộ trong tương lai.
KHÁNH LINH