Phát triển khoa học công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

25/01/2024 83


Ngày 11.1, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 69-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2012 về phát triển khoa học công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo được tỉnh Bình Định quan tâm đẩy mạnh thời gian qua, trở thành sân chơi thường niên, nơi ươm mầm và hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo. Ảnh: HG

Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ Đảng, chính quyền tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ.

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực này. Xác định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo để chuyển đổi nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phát huy vai trò Mặt trận, các tổ chức đoàn thể và sự tham gia của nhân dân. Khen thưởng những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực cho lĩnh vực này.

Thứ hai, đổi mới tư duy, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tổ chức thực hiện tốt Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 gắn với Nghị quyết số 29-NQ/TW, Nghị quyết số 45-NQ/TW. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế, tạo sự đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong tổ chức thực hiện. Tập trung vào các chính sách tài chính, đầu tư, chuyển giao công nghệ, bảo hộ sở hữu trí tuệ. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy phát triển, ứng dụng, chuyển giao các lĩnh vực khoa học, công nghệ có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ mới và chuyển đổi số. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong nghiên cứu, phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, giá trị cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính, tập trung nguồn lực. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, nghiên cứu phát triển công nghệ mới. Gắn kết phát triển khoa học, công nghệ với phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm các quy định về lĩnh vực này.

Thứ ba, nâng cao tiềm lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đẩy mạnh cơ chế tự chủ đối với các tổ chức khoa học công lập để thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực. Tạo điều kiện cho các trường đại học tăng cường nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Thu hút đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, đặc biệt là các chuyên gia hàng đầu và nhân tài. Hỗ trợ phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ. Phát triển mạnh mẽ các khu công nghệ cao, hệ thống phòng thí nghiệm, cơ sở hạ tầng thông tin về khoa học và công nghệ. Xây dựng chuẩn mực nghề nghiệp trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ quốc tế. Hướng tới phát triển một số tổ chức khoa học và công nghệ đạt trình độ khu vực và thế giới.

Thứ tư, phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Phát triển hệ thống trung tâm, mạng lưới đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Liên kết các cụm đổi mới sáng tạo với khu công nghệ cao, trường đại học, viện nghiên cứu. Đào tạo kiến thức, kỹ năng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khuyến khích doanh nghiệp thành lập trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Phát triển văn hóa phù hợp với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ưu tiên nghiên cứu các giải pháp công nghệ hỗ trợ chuyển đổi số, kinh tế xanh.

Phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu công nghệ xanh, công nghệ tái chế, tiết kiệm năng lượng.

Thứ năm, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ.

Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Có chính sách ưu đãi cho sản phẩm đang thử nghiệm, sử dụng công nghệ mới. Gia tăng số lượng, nâng cao chất lượng khai thác tài sản trí tuệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Phát triển hạ tầng chất lượng, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Khuyến khích phát triển các tổ chức dịch vụ khoa học công nghệ, trung tâm chuyển giao công nghệ. Tạo điều kiện cho lưu thông, giao dịch các sản phẩm khoa học công nghệ trên thị trường. Tăng cường kết nối sàn giao dịch công nghệ với các trung tâm chuyển giao công nghệ.

Thứ sáu, đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng, mở rộng hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là với các đối tác chiến lược. Tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại đa phương, song phương để tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến. Thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn nước ngoài tại Việt Nam. Thu hút chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài tham gia nghiên cứu, đào tạo tại Việt Nam. Tổ chức các hoạt động triển lãm, diễn đàn để giới thiệu, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Khuyến khích liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Phát triển mạng lưới đại diện khoa học và công nghệ của Việt Nam ở nước ngoài.

Đây là chủ trương quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong giai đoạn mới.

HƯƠNG GIANG