Dấu ấn 10 năm ICISE

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

23/08/2023 39


Trải qua 10 năm hình thành và phát triển, Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) đã hồi sinh vùng đất Quy Hòa, biến nơi đây trở thành nơi gặp gỡ của các nhà khoa học trên khắp thế giới. Điều này đã góp phần quảng bá hình ảnh của Bình Định - Việt Nam với khát vọng và quyết tâm vươn lên mạnh mẽ.Bottom of Form

Hồi sinh Quy Hòa thành vùng đất khoa học

Trong hồi ức cách đây một thập kỷ, thung lũng Quy Hòa với vẻ hoang sơ và bi thương chẳng ai dám nghĩ rằng nó sẽ trở thành một điểm sáng về khoa học và giáo dục trong cả khu vực Đông Nam Á và toàn cầu. Nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 4 km, Quy Hòa ngày xưa là nơi điều trị của các bệnh nhân phong và gần như hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài. Những cung đường đèo cheo leo và ngoằn nghèo nằm sát bên sườn núi dẫn vào Quy Hòa cây cối rậm rạp, ít người qua lại.

ICISE trở nên bừng sáng trong không gian thơ mộng, yên bình của thung lũng Quy Hòa.

Tháng 8.2008, trong chuyến khảo sát các tỉnh thành trên cả nước để xác định vị trí xây dựng một trung tâm quốc tế gặp gỡ khoa học và giáo dục đa ngành, GS Trần Thanh Vân - một nhà Vật lý Việt kiều Pháp và Chủ tịch Hội gặp gỡ Việt Nam tại Pháp, đã “để mắt” đến vùng đất này khi vô tình phát hiện bờ biển Quy Hòa với vẻ đẹp tự nhiên và thơ mộng. Với tầm nhìn sắc sảo của một nhà khoa học có kinh nghiệm, ông đã hình dung ra được một trung tâm khoa học thật đẹp bên bờ biển Quy Hòa trong tương lai.

Được sự ủng hộ của Chính phủ và địa phương, đặc biệt là sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Bình Định, năm 2013, ICISE được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động. ICISE ra đời với sứ mệnh tạo điểm gặp gỡ, giao lưu cho các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo khoa học, các lớp học chuyên đề. Qua đó, giúp sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, mang lại cơ hội cho các thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham gia các cuộc gặp gỡ và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao. ICISE hướng đến mục tiêu trở thành điểm đến quan trọng cho các nhà khoa học và điểm sáng không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực Đông Nam Á, nâng cao vị thế và hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Như vậy, với sự có mặt của ICISE không chỉ hồi sinh “vùng đất chết” Quy Hòa mà còn biến nơi đây trở thành một trung tâm quan trọng về khoa học và giáo dục của Việt Nam và thế giới.

“Mái nhà chung” của các nhà khoa học

Trong suốt hành trình 10 năm qua, ICISE đã trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu của các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học lừng danh thế giới. Cho tới nay, hàng trăm cuộc hội thảo, hội nghị đã được tổ chức tại ICISE, thu hút gần 10.000 nhà khoa học thế giới và trong nước, đặc biệt là 18 giáo sư Nobel, 2 giáo sư đạt giải Fields, 2 giáo sư đạt giải Kavli, 1 giáo sư đạt giải Shaw, 1 giáo sư đạt giải Kalinga.

Vườn cây Nobel - nơi ghi dấu tên tuổi của các GS đoạt giải Nobel, các khoa học gia nổi tiếng và nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước Việt Nam tại ICISE. Ảnh: HH

Họ đến đây để cùng chia sẻ những kết quả nghiên cứu mới, cùng thảo luận để lựa chọn con đường nghiên cứu và cộng tác tương lai. Bên cạnh các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế đỉnh cao của Hội Gặp gỡ Việt Nam, ICISE còn là nơi diễn ra các lớp học chuyên đề cập nhật các phương pháp nghiên cứu mới cho các lĩnh vực chuyên sâu dành cho sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên trẻ tại các trường đại học, viện nghiên cứu; nơi tổ chức các buổi thuyết trình khoa học đại chúng dành cho học sinh, sinh viên và công chúng yêu khoa học. Qua đó, tạo điều kiện và truyền cảm hứng để các nhà khoa học trẻ Việt Nam và sinh viên tiếp cận với nền khoa học, giáo dục tiên tiến của thế giới.

Tiền đề hình thành Khu đô thị khoa học Quy Hòa

Với hoạt động của ICISE, Quy Nhơn - Bình Định đã trở thành điểm sáng của thế giới về khoa học và giáo dục. Từ ICISE, Viện Nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành (IFIRSE) đã được thành lập, mục tiêu là làm cầu nối khoa học Việt Nam với thế giới và thu hút các nhà khoa học trẻ Việt Nam và các nhà khoa học quốc tế về làm việc để phát huy nguồn lực chất xám của hàng nghìn nhà khoa học quốc tế về ICISE mỗi năm. Cho tới nay IFIRSE đã hình thành được 3 nhóm nghiên cứu, gồm: Vật lý lý thuyết (năm 2017), Vật lý Neutrino (năm 2018), Vật lý thiên văn SAGI (năm 2022). Trong đó, nhóm nghiên cứu Vật lý Neutrino đã tham gia đóng góp cho thí nghiệm quốc tế Neutrino T2K hơn 5 năm qua; đồng thời, là đại diện duy nhất của Việt Nam và cũng là nhóm nghiên cứu duy nhất trong khu vực Đông Nam Á được phép tham gia thí nghiệm quốc tế Super-Kamiokande (SK). Với việc tham gia thí nghiệm SK, nhóm hy vọng đóng góp cho việc tìm kiếm bức phông nền Neutrino từ các vụ nổ sao và tìm kiếm phân rã Neutrino.

Món quà ý nghĩa được lãnh đạo tỉnh Bình Định trao tặng vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam và 10 năm hoạt động của ICISE. Ảnh: HH

Cũng chính Hội Gặp gỡ Việt Nam mà đứng đầu là GS Trần Thanh Vân đã đề xuất ý tưởng với UBND tỉnh Bình Định hình thành đề án Khu đô thị khoa học Quy Hòa, trong đó cốt lõi là ICISE và dự án Tổ hợp không gian khoa học. Dự án Tổ hợp không gian khoa học (do Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo thuộc Sở KH&CN Bình Định quản lý) cho tới nay đã trở thành điểm đến yêu thích của những yêu khoa học trong tỉnh, trong nước và quốc tế; giúp khơi nguồn cảm hứng về tình yêu khoa học cho công chúng. Với sự có mặt của ICISE và dự án Tổ hợp không gian khoa học đã dần lôi kéo các công ty công nghệ hàng đầu như: TMA Solutions, FPT Software tìm đến thung lũng Quy Hòa. Điều này đã và đang từng bước định hình một khu đô thị khoa học trong tương lai tại vùng đất mới hồi sinh này.

Cũng từ tiền đề là sự có mặt của ICISE, tại Hội nghị Giám đốc sở KH&CN toàn quốc năm 2023 tổ chức tại TP Quy Nhơn tháng 3.2023 vừa qua, Sở KH&CN Bình Định đã đề nghị và được Bộ trưởng Bộ KH&CN chấp thuận chủ trương đầu tư phát triển Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo trở thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; đồng thời, hình thành Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ vũ trụ tại thung lũng Quy Hòa.

Có thể thấy, chặng đường 10 năm hình thành và phát triển của ICISE đã có đóng góp rất lớn cho ngành KH&CN của Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung, tạo nên sự khác biệt về hoạt động KH&CN của Bình Định. Không chỉ đóng góp về mặt học thuật, khoa học cũng như giáo dục, đào tạo, ICISE còn góp phần quảng bá hình ảnh Bình Định - Việt Nam ra thế giới, làm tiền cho sự hình thành dự án “Tổ hợp không gian khoa học” và “Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa”, thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực công nghệ về Bình Định. Với mục tiêu sứ mệnh của mình, ICISE đang từng bước đưa Quy Nhơn - Bình Định trở thành một trung tâm khoa học hàng đầu của Việt Nam.

HỒNG HÀ