Sôi nổi và lý thú Trường hè quan sát thiên văn SAGI
21/07/2023 25
Chiều 17.7, tại TP Quy Nhơn, Trường hè quan sát thiên văn SAGI do Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) phối hợp với Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo (Sở KH&CN Bình Định) tổ chức đã chính thức khai mạc.
Trường hè quan sát thiên văn SAGI thu hút 44 học viên là nghiên cứu sinh, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ, sinh viên trong và ngoài nước tham gia. Ảnh: ICISE
Sự kiện thu hút 44 học viên là nghiên cứu sinh, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ, sinh viên trong và ngoài nước tham gia; đặc biệt là các báo cáo viên/diễn giả người nước ngoài như: GS Nguyễn Lương Quang (American University of Paris, FR), TS Nguyễn Trọng Hiền (NASA JPL, US), TS Lê Ngọc Trẫm (Max Plank Institute for Radio Astronomy, DE), Hoàng Kim Đỉnh (University of California, Berkeley, US), TS Đinh Văn Trung - Viện Vật lý Việt Nam, TS Hoàng Ngọc Duy (Hamburg Observatory, GE), TS Kazuhito Dobashi (Tokyo University of Education, JP)… Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án Vật lý thiên văn - SAGI tại Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE) và có sự đồng hành của Quỹ Đổi mới và Sáng tạo Vingroup (VINIF- VINBIGDATA).
GS Nguyễn Lương Quang (American University of Paris, FR) tham gia giảng dạy tại Trường hè quan sát thiên văn SAGI. Ảnh: ICISE
Diễn ra từ ngày 17 - 28.7, Trường hè Quan sát Thiên văn SAGI nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu cho học viên trong lĩnh vực Vật lý thiên văn, đặc biệt là các chuyên gia tại Đài Quan sát thiên văn Quy Nhơn. Tại đây, học viên sẽ được các báo cáo viên/diễn giả người nước ngoài truyền đạt nhiều bài giảng khoa học, như: Phân tích dữ liệu, chuẩn bị thuyết trình; quan sát trong các dải sóng khác; quan sát tia gamma và neutrino; quan sát mm - submm; so sánh với mô phỏng - lý thuyết; quang phổ với LTE và không LTEl; Vật lý thiên văn năng lượng cao; vùng thống trị photon; sự tiến hóa của hạt bụi từ các sợi hình thành sao đến các đĩa tiền hành tinh. Trong thời gian diễn ra trường hè, học viên được truyền đạt bài giảng giới thiệu về các khía cạnh về quan sát của thiên văn học; tìm hiểu về thiên văn học và Vật lý thiên văn; học cách vận hành kính viễn vọng, thiết kế và thử nghiệm các dụng cụ khoa học… Đồng thời, học viên cũng được tham gia thực hành quan sát bằng kính viễn vọng từ 2 - 3 đêm tại Đài Quan sát thiên văn Quy Nhơn như các nhà thiên văn học chuyên nghiệp. Qua đó, giúp học viên trải nghiệm toàn bộ quá trình quan sát, chụp ảnh thiên thể, học cách tư duy phân tích và phân tích.
Trường hè Quan sát Thiên văn SAGI nhằm mang đến cho học viên những trải nghiệm, kỹ năng và kiến thức thực tế để theo đuổi niềm đam mê thiên văn học, Vật lý thiên văn. Ảnh: ICISE
Mục tiêu của Trường hè là chứng minh thiên văn học không chỉ là chủ đề thú vị, mà còn quan trọng đối với sự phát triển của KH&CN, nhằm giải quyết các câu hỏi thường gặp về mức độ liên quan của thiên văn học, mang đến cho học viên những trải nghiệm học tập toàn diện, trang bị kỹ năng và kiến thức thực tế để theo đuổi niềm đam mê thiên văn học, Vật lý thiên văn.
KHÁNH LINH