Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Bình Định: Cần có các giải pháp liên kết thúc đẩy phát triển

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

04/07/2023 52


Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Định (KN&ĐMST Bình Định) đã có bước khởi động từ năm 2016 sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định Số 844/QĐ-CP ngày 15/6/2016 về việc “Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025”. Sau hơn 7 năm phát triển KN&ĐMST Bình Định đã có những kết quả hoạt động ban đầu tích cực. Tuy vậy, KN&ĐMST Bình Định vẫn đang ở giai đoạn bắt đầu và rất cần có các giải pháp liên kết thúc đẩy phát triển hệ sinh thái trở nên năng động hơn.

Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Định lần thứ IV, năm 2023 thu hút đông đảo thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp cả nước tham gia. Ảnh: KL

Những kết quả đạt được

Cho tới nay, Bình Định đã ban hành nhiều văn bản quan trọng làm cơ sở để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, bao gồm: Quyết định Số 3043/QĐ-UBND ngày 28/8/2019 của UBND tỉnh Bình Định về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Bình Định giai đoạn 2019-2025”; Quyết định Số 1735/QĐ-UBND ngày 25/5/2018 của UBND tỉnh Bình Định về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Bình Định; Quyết định Số 3853/QĐ-UBND ngày 24/10/2019 của UBND tỉnh Bình Định về việc thành lập Ban chỉ đạo để triển khai thực hiện đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Bình Định giai đoạn 2019-2025”; Quyết định Số 4149/QĐ-UBND ngày 12/10/2021 của UBND tỉnh Bình Định về việc thành lập Hội đồng tư vấn và đầu tư khởi nghiệp tỉnh Bình Định.

Với vai trò quản lý nhà nước về hỗ trợ KN&ĐMST Bình Định, Sở KH&CN Bình Định đã tham mưu UBND tỉnh quyết định thành lập các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp gồm: Ban chỉ đạo hỗ trợ KN&ĐMST Bình Định; Hội đồng tư vấn và đầu tư khởi nghiệp tỉnh; Tổ chức sắp xếp Trung tâm Khám phá khoa học thành Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Sở tiếp tục cải tạo, nâng cấp khu không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp Bihub thành nơi giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về khởi nghiệp của cộng đồng khởi nghiệp tỉnh Bình Định.

Nhằm kết nối hợp tác xây dựng mạng lưới KN&ĐMST của tỉnh, hàng năm, Sở KH&CN Bình Định đã tổ chức cuộc thi khởi nghiệp, ngày hội khởi nghiệp, thu hút các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp tham gia. Sở cũng thực hiện kết nối và tham gia các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước; cử đoàn cán bộ tham gia học tập kinh nghiệm, đào tạo và tập huấn ở các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp uy tín tại Việt Nam. Để xây dựng nguồn nhân lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh, Sở KH&CN Bình Định đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng trong tỉnh cũng như cử cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp tham gia các lớp đào tạo tại TP Hồ Chí Minh. Về mạng lưới cố vấn khởi nghiệp, năm 2021, Bình Định có quyết định thành lập Hội đồng Tư vấn và đầu tư khởi nghiệp, tổ chức đào tạo nhóm cố vấn cho khởi nghiệp. Mạng lưới cố vấn đang ở giai đoạn đầu để hình thành và phát triển.

Về công tác tố chức cuộc thi khởi nghiệp, hằng năm, Sở KH&CN Bình Định đều tổ chức các sự kiện trọng điểm như: Cuộc thi KN&ĐMST, Chương trình Tuyển chọn và Ươm tạo các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhìn chung, việc tổ chức Cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo thu hút nhiều dự án tham gia với lĩnh vực dự thi đa dạng, áp dụng công nghệ mới. Đa số các dự án đều hoàn thiện sản phẩm mẫu, có dự án đã có sản phẩm bán ra thị trường và bước đầu thu hút sự quan tâm của khách hàng. Về nguồn tài chính cho hoạt động khởi nghiệp, có thể thấy nguồn ngân sách chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại tỉnh Bình Định chủ yếu là nguồn ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, tỉnh cũng huy động thêm nguồn từ các đề án, chương trình của nhà nước. Về vốn đầu tư thiên thần, đa phần các dự án khởi nghiệp sử dụng vốn cá nhân và bạn bè, nguồn vốn cho đầu tư từ các nhà đầu tư thiên thần chưa có.

Mặt hạn chế

Ông Lý Đình Quân - Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp ĐMST quốc gia; CEO Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator - SHi) nhìn nhận: Các hoạt động liên quan đến pháp lý chưa rõ nét. Cụ thể như sự liên kết và hợp tác với các sở ngành khác trong việc phối hợp xây dựng các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp chưa rõ nét; Thiếu các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp mới đa dạng ở các thành tố của hệ sinh thái; Sự tham gia và dẫn dắt của doanh nhân trong hoạt động khởi nghiệp chưa đóng vai trò chủ chốt.

Về nguồn nhân lực, Bình Định thiếu các hoạt động kết nối, đào tạo, hợp tác các tổ chức về công nghệ, lập trình; các chương trình giáo dục khởi nghiệp ở các trường triển khai chưa đồng bộ và mạnh mẽ từ các trường PTTH, cao đẳng và đại học; hoạt động ở các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp các trường cao đẳng, đại học còn mờ nhạt.

Về cơ sở vật chất cho hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, mới hình thành và xây dựng được 1 không gian làm việc chung. Công tác tố chức cuộc thi khởi nghiệp còn một số yếu kém như: các sự kiện khởi nghiệp hỗ trợ cho startup đến từ các tổ chức cộng đồng, tổ chức tư nhân chưa nhiều, tần suất thấp, không liên tục và thiếu đa dạng, thiếu hợp tác và liên kết để gia tăng chất lượng tri thức đổi mới sáng tạo và công nghệ. Hầu hết chưa có các hoạt động liên kết ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp toàn diện các dịch vụ giúp startup phát triển dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần còn tổ chức lỏng lẻo.

Dựa theo 7 cấp độ phát triển (gồm: Sơ khởi, Thiết lập nền tảng, Tăng tốc, Đã hình thành, Hoạt động hiệu quả, Phát triển, Triển vọng), hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Bình Định có thể được nhận diện đang ở Cấp 2 (thiết lập nền tảng). 

Đại diện Sở KH&CN Bình Định và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ký kết chương trình hợp tác chiến lược hệ sinh thái khởi nghiệp. Ảnh: KL

Giải pháp thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh

Bên cạnh việc nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của quản lý nhà nước; hình thành các trung tâm ĐMST, các khu co-working space, các tổ chức dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp, cung cấp các cơ sở vật chất cho khởi nghiệp; phát triển nguồn nhân lực toàn diện và nguồn vốn, theo chuyên gia Lý Đình Quân, Bình Định cần đẩy mạnh kết nối các mạng lưới nguồn lực đa dạng, hình thành văn hóa khởi nghiệp năng động hiêu quả. Trong đó, đặc biệt tăng cường kết nối các nguồn lực là các công ty, tập đoàn, doanh nhân cho hỗ trợ khởi nghiêp như tư vấn, đầu tư và kết nối thị trường; Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động truyền thống, hỗ trợ phát triển marketing và thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Kết nối hệ thống mạng lưới khởi nghiệp trong nước và quốc tế, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các trung tâm ĐMST. Đưa nhiều chuyên gia khởi nghiệp quốc gia về địa phương để tạo sự chuyển biến nhanh về tư duy và tri thức khởi nghiệp. Đồng thời, sử dụng mô hình mới hệ sinh thái KN&ĐMST mở nhằm thúc đẩy cung cầu thị trường giải quyết các thách thức lớn cho địa phương, doanh nghiệp đặt hàng theo nhu cầu, trao nhiệm vụ tìm kiếm giải pháp ĐMST cho các startup và các tổ chức trung gian ĐMST thực thi.

KHÁNH LINH