Trường ĐH Quy Nhơn: Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế địa phương

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

05/06/2023 105


Thời gian qua, Trường ĐH Quy Nhơn đã đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào việc sản xuất hoóc-môn nhân tạo kích thích trứng chín và kích thích rụng trứng; sản xuất vật liệu mới; sản xuất chế phẩm xử lý rác thải, mùi hôi trong chăn nuôi… 

Với xu thế phát triển ngày càng cao của KH&CN, công nghệ sinh học (CNSH) đang trở thành xu hướng phát triển mới. Đầu năm 2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng CNSH phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; trong đó thể hiện quan điểm định hướng và ưu tiên phát triển CNSH như là một ngành công nghiệp quan trọng. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, nền công nghệ sinh học nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng; là một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh CNSH, ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.

PGS.TS Nguyễn Thị Mộng Ðiệp nghiên cứu ứng dụng công nghệ chuyển gen và công nghệ tế bào kích thích rụng trứng ở vật nuôi. Ảnh: HG

“Đón đầu” xu thế này, Trường ĐH Quy Nhơn định hướng đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực CNSH chất lượng cao và ứng dụng CNSH vào các lĩnh vực như: y dược, nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường là quan trọng và cấp thiết. Khoa Khoa học Tự nhiên của Trường ĐH Quy Nhơn hiện đóng vai trò then chốt trong việc nghiên cứu và ứng dụng CNSH. Hiện khoa đang tập trung được đội ngũ giảng viên trình độ cao và năng động; có năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, tin học tốt có thể hội nhập với khu vực và quốc tế. Nhiều giảng viên có đủ năng lực tư vấn, điều hành các dự án hợp tác với các doanh nghiệp và tổ chức KH&CN trong và ngoài nước.

Về cơ sở vật chất, Trường ĐH Quy Nhơn có 56 phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong 5 năm trở lại đây, Trường được Bộ GD&ĐT đầu tư mới một số phòng thí nghiệm như: Phòng thí nghiệm dự án Tăng cường phòng thí nghiệm hệ thống lưới điện thông minh và tính toán mô phỏng; Phòng thí nghiệm dự án Tăng cường năng lực cơ sở vật chất ứng dụng KH&CN phục vụ công tác nghiên cứu, đào tạo giảng dạy; Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng và Khoa học vật liệu. Với nền tảng cơ sở vật chất hiện đại, trong đó nhiều phòng thí nghiệm được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, trong 5 năm qua khoa Khoa học Tự nhiên của Trường ĐH Quy Nhơn có nhiều cán bộ đã và đang chủ trì và tham gia nhiều dự án trong nước và quốc tế như: 01 đề tài cấp quốc gia, 03 đề tài cấp nhà nước, 01 đề tài VINIF, 01 đề tài thuộc nhiệm vụ bảo tồn quỹ gen, 01 đề tài thuộc chương trình nghiên cứu KH&CN, 06 đề tài cấp Bộ GD&ĐT và nhiều đề tài cấp cơ sở. Số lượng công trình khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI, Scopus ngày càng tăng và trung bình là 50 bài mỗi năm.

Sinh viên nghiên cứu công nghệ sinh học tạo ra chế phẩm xử lý rác thải hữu cơ, xử lý mùi hôi tại Trường ĐH Quy Nhơn. Ảnh: HG

Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển và ứng dụng CNSH, thời gian qua, Trường ĐH Quy Nhơn đã phát huy truyền thống và thế mạnh trong lĩnh vực CNSH để đóng góp vào nền kinh tế địa phương và cả nước nói chung. Trong đó, Trường tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh về CNSH và xây dựng các chương trình dự án phù hợp, hiệu quả để đạt được các mục tiêu đề ra. Cụ thể, Trường ứng dụng công nghệ chuyển gen và công nghệ tế bào để sản xuất hoóc-môn kích Equine chorionic gonadotropin (eCG) để sử dụng kết hợp với progestogen để gây rụng trứng ở vật nuôi trước khi thụ tinh nhân tạo. Nghiên cứu do PGS.TS Nguyễn Thị Mộng Ðiệp, Trưởng bộ môn Sinh học ứng dụng - Nông nghiệp, khoa Khoa học Tự nhiên đang thực hiện. Mục tiêu nhằm hỗ trợ thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm để điều trị vô sinh hiếm muộn. Đây là nghiên cứu có nhiều ưu điểm nổi trội như thời gian bán hủy lâu, dễ dàng sản xuất trên nhiều dòng tế bào thông dụng; vì vậy khả năng ứng dụng vào thực tế tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định là rất cao.

Ngoài ra, Trường ĐH Quy Nhơn cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nano sinh học để tạo ra vật liệu mới theo hướng tổng hợp xanh và hướng tới việc tạo chế phẩm nano dùng trong canh tác nông nghiệp. Ứng dụng công nghệ vi sinh để tạo ra chế phẩm xử lý rác thải hữu cơ, xử lý mùi hôi trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, thức ăn probiotic. Bảo tồn nguồn gen vi sinh vật và bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu về ngân hàng gen vi sinh vật. Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất lúa gạo giúp cải thiện các giống lúa, tăng sản lượng cũng như chất lượng gạo để phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu và đối phó với tình hình biến đổi khí hậu.

Tuy đạt được những kết quả bước đầu khả quan, song những nghiên cứu về công nghệ sản xuất và việc thương mại hóa sản phẩm còn hạn chế; sản phẩm về CNSH chưa đa dạng. PGS. TS Nguyễn Đình Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn cho biết: Mục tiêu chung trong thời gian tới của Trường là phát triển mạnh mẽ KH&CN và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đưa KH&CN, trong đó có CNSH thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, từng bước xây dựng tỉnh Bình Định trở thành một trong những trung tâm lớn về KH&CN của khu vực cũng như cả nước gắn với phát triển khu đô thị khoa học của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu đó, Trường ĐH Quy Nhơn sẽ đẩy mạnh việc xây dựng Trung tâm bảo tồn quỹ gen và số hóa cơ sở dữ liệu nguồn gen sinh vật bản địa có giá trị trên địa bàn tỉnh Bình Định; thu thập, tuyển chọn các nguồn gen bản địa, nguồn gen quý tại Bình Định; sàng lọc và đánh giá sơ bộ các đặc tính ứng dụng tiềm năng của nguồn gen trong các lĩnh vực nông nghiệp, y dược và bảo vệ môi trường; bảo tồn nguồn gen; xây dựng Trung tâm bảo tồn quỹ gen và số hóa cơ sở dữ liệu.

Bên cạnh đó, Trường cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu xử lý mùi hôi và sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ nguồn chất thải trong chăn nuôi và chế biến thủy sản đánh giá thực trạng xử lý chất thải trong chăn nuôi và chế biến thủy sản. Phát triển và ứng dụng kỹ thuật PSR (Polymerase chain reaction) cho việc phát hiện nhanh bệnh do vi khuân và DNA vi-rút gây ra trên tôm tại địa bàn tỉnh Bình Định. Song song đó, Trường cũng tiến hành xây dựng đề án mở ngành đào tạo trình độ đại học, sau đại học để đào tạo nhân lực cho ngành CNSH.

  HƯƠNG GIANG