Khoa học, công nghệ tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

23/03/2023 14


Nhờ chú trọng đầu tư đúng tầm, Bình Định trở thành điểm sáng về hoạt động khoa học, công nghệ; đặc biệt là địa phương tiên phong trên cả nước xây dựng thành công các mô hình nghiên cứu, khám phá khoa học mang tầm quốc tế.

Xác định vai trò của KH&CN là động lực quan trọng trong phát triển KT-XH, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành một số cơ chế, chính sách quan trọng về phát triển KH&CN; trọng tâm là Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 14.05.2021 về “Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025” và Nghị quyết số 14/2020/NQ-HĐND ngày 17.07.2020 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ trên địa bàn tỉnh. Cũng nhờ được chú trọng đầu tư, hoạt động KH&CN đã có bước phát triển mạnh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, “kích hoạt” tiềm năng và lợi thế của tỉnh, đóng góp thiết thực vào sự phát triển KT-XH của địa phương.

Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo trở thành biểu tượng cho tầm nhìn và sự đầu tư chiến lược của Bình Định đối với khoa học, công nghệ. Ảnh: HH

Trong thời gian qua, KH&CN được triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực như: Khoa học xã hội - nhân văn giúp cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội con người; Khoa học tự nhiên mang lại những kết quả quan trọng trong công tác dự báo, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra; Khoa học nông nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự báo sâu bệnh hại lúa trên địa bàn tỉnh và giải quyết các vấn đề phát sinh trong nông nghiệp, đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu, phát triển sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; Triển khai các nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong lĩnh vực y dược để chẩn đoán và điều trị bệnh; Phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh với đề án thành lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định đã được UBND tỉnh phê duyệt; Phát triển Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa và Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ với định hướng phát triển TP Quy Nhơn trở thành một thành phố khoa học hàng đầu của Việt Nam…

Tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ ưu tiên vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản, vật liệu xây dựng, thương mại điện tử; Xây dựng, phát triển thị trường KH&CN; Tiếp tục đổi mới cơ chế về tổ chức quản lý hoạt động khoa học và công nghệ, đầu tư tiềm lực KH&CN; đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về KH&CN với kết quả nổi bật là xây dựng Trung tâm Quốc tế về Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) trở thành điểm đến của các nhà khoa học trẻ đang làm việc ở nước ngoài trở về làm việc và tham gia nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE).

Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE) thuộc Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) vinh dự là đại diện duy nhất ở khu vực Đông Nam Á tham gia thí nghiệm quốc tế Super-Kamiokande tại Nhật Bản. Ảnh: ICISE

Một số kết quả cụ thể: Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn; Ứng dụng công nghệ cao để đầu tư, nâng cấp xây dựng trang trại chăn nuôi tự động, khép kín, thân thiện với môi trường; chăn nuôi theo hướng hữu cơ, VietGAHP; Triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 để đầu tư trang trại chăn nuôi gà hiện đại, tiên tiến, tạo sản phẩm sạch, năng suất, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, duy trì 08 dự án cánh đồng lớn, dự án liên kết sản xuất lúa giống với diện tích 982,3 ha; Duy trì và phát triển 08 vùng sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP ở các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn. Hiện toàn tỉnh có 14 doanh nghiệp đang hoạt động chăn nuôi, sản xuất con giống theo hướng ứng dụng công nghệ cao; 59 trang trại, cơ sở chăn nuôi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm; 03 đơn vị đang ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất cây nuôi cấy mô về giống lâm nghiệp.

Trong lĩnh vực thương mại điện tử, tỉnh đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào các sàn thương mại điện tử lớn của thế giới; Hỗ trợ 10 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tỉnh đã đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng các mô hình chính quyền điện tử tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 -2025; Ứng dụng chứng thực điện tử và chữ ký số, tạo nền tảng phát triển Chính quyền điện tử đồng bộ đảm bảo đúng lộ trình kế hoạch đề ra; Đầu tư nâng cấp trang thiết bị và xây lắp hạ tầng kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị thông minh - IOC Bình Định. Hiện nay, số doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh là 96 đơn vị (trong đó có 12 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần mềm), tổng doanh thu năm 2022 ước đạt 400 tỷ đồng; trong đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh, phân phối các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin chiếm trên 80%.

Để xây dựng, phát triển thị trường KH&CN, tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Định giai đọan 2019 - 2025” nhằm từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, làm đòn bẩy đưa phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh phát triển. Trong đó, đến nay đã tổ chức 16 chương trình ươm tạo các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tuyển chọn 2 dự án tham gia Chương trình cố vấn tăng tốc; Tiếp tục hình thành mạng lưới chuyên gia tư vấn, đào tạo và nhà đầu tư về khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, Bình Định cũng đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với giải pháp trọng tâm là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Chú trọng công tác xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm chủ lực của địa phương. Trong giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh có 04 doanh nghiệp KH&CN được thành lập (nâng tổng số lên 13 doanh nghiệp); 04 sản phẩm được hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp ra nước ngoài; 03 sản phẩm được hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm sáng tạo, nghiên cứu khoa học; 04 sản phẩm được quảng bá và thương mại; đồng thời, hình thành 1 tổ chức trung gian thị trường KH&CN.

Tuy vậy, cũng phải thẳng thắn thừa nhận hoạt động nghiên cứu ứng dụng chưa mang tính đột phá, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và đời sống. Vẫn còn một số đề tài sau khi được nghiệm thu, khâu nhân rộng, ứng dụng trong sản xuất, đời sống còn hạn chế. Tốc độ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp còn chậm, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn ít (hầu hết các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, thiết bị công nghệ còn lạc hậu). Năng lực hoạt động của các tổ chức KH&CN còn yếu. Mạng lưới cơ quan nghiên cứu triển khai còn mỏng. Các tổ chức nghiên cứu, dịch vụ KH&CN hoạt động còn yếu. Hợp tác phát triển KH&CN ngoài nước chưa được chú trọng. Cơ sở vật chất kỹ thuật các cơ quan nghiên cứu KH&CN còn thiếu thốn, lạc hậu, không đồng bộ. Nguồn nhân lực KH&CN chưa đồng đều ở các ngành, còn thiếu các chuyên gia đầu ngành ở các lĩnh vực công nghệ cao.

Quang cảnh buổi làm việc giữa UBND tỉnh Bình Định và đoàn công tác của Bộ KH&CN tại trụ sở UBND tỉnh Bình Định chiều 16.3 vừa qua. Ảnh: HH

Nhằm tháo gỡ các khó khăn, tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Bình Định và đoàn công tác của Bộ KH&CN tại trụ sở UBND tỉnh Bình Định chiều 16.3 vừa qua, đồng chí Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn Bộ KH&CN giới thiệu các doanh nghiệp công nghệ cao đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất chip về đầu tư tại tỉnh; Hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho Bình Định đối với 03 sản phẩm: Yến sào Bình Định, Ớt Bình Định và Bưởi Bình Định có tiềm năng xuất khẩu lớn; Hỗ trợ hình thành Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia vùng Nam Trung Bộ - Tây Nguyên; Hỗ trợ hình thành không gian đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, là nơi giao dịch kết nối giữa cung - cầu công nghệ cho tỉnh, khu vực Nam Trung bộ -Tây nguyên; Hỗ trợ Trung tâm Khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo phát triển thành cơ sở nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ, nhằm thực hiện chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ vũ trụ đến năm 2030. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng cổng truy xuất nguồn gốc cho Bình Định để kết nối với cổng truy xuất nguồn gốc quốc gia; Hỗ trợ đầu tư tiềm lực KH&CN cho Trung tâm Phân tích và Đo lường chất lượng (thuộc Sở KH&CN Bình Định) để phục vụ kiểm định, hiệu chuẩn và kiểm tra đo lường các thiết bị y tế, vệ sinh an toàn lao động, phân tích, thử nghiệm các sản phẩm xăng, dầu nhằm phục vụ yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng Quy Nhơn; Hỗ trợ hình thành phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tưởng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học đến năm 2025; Ưu tiên xác định, phê duyệt, phân bổ nguồn kinh phí trung ương để tổ chức triển khai tại tỉnh các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia như: Nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực vật lý thiên văn; Ứng dụng chuyển đổi số xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học công nghệ tỉnh; Nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý giám sát tàu cá và sản lượng khai thác hải sản của tỉnh phù hợp quy định về chống đánh bắt hải sản IUU của EC… Hỗ trợ hình thành, phát triển Khu Đô thị Khoa học Quy Hòa và Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại Quy Nhơn. Về chính sách, sớm ban hành Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN; Ban hành Thông tư hướng dẫn các chức danh hoặc nhóm chức danh tham gia thực hiện nhiệm vụ KH&CN và hệ số lao động khoa học của các chức danh, nhóm chức danh. Đồng thời, sớm ban hành quy định cụ thể mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với các khoản vay tại Quỹ Phát triển KH&CN để khuyến khích, thu hút các dự án vay vốn phát triển KH&CN.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hoàng Giang - Thứ trưởng Bộ KH&CN đánh giá cao những kết quả tỉnh Bình Định đạt được trong thời gian qua, trong đó có sự đóng góp nhất định của KH&CN. Đồng chí cũng khái quát chung 3 kết quả nổi bật tỉnh Bình Định đã đạt được. Một là, đầu tư vào hoạt động KH&CN được chú trọng trên nhiều lĩnh vực như: nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao, phát triển thị trường công nghệ, đổi mới quản lý, hợp tác trong nước và quốc tế, đặc biệt có nhiều đổi mới trong việc hình thành các mô hình thí điểm về nghiên cứu, khám phá khoa học. Hai là, đầu tư tiềm lực để xây dựng và phát triển các trung tâm nghiên cứu khoa học như: ICISE, Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo, đồng thời ban hành một chương trình hành động riêng về phát triển KH&CN. Ba là, phối hợp tốt với Bộ KH&CN; nguồn ngân sách hỗ trợ cho hoạt động KH&CN khá cao so với mặt bằng chung của tỉnh; là tỉnh duy nhất có trung tâm tư nhân được hỗ trợ trực tiếp để phát triển khoa học, công nghệ.

Sau khi nhìn nhận những tồn tại của địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang đề nghị tỉnh Bình Định triển khai một số việc cụ thể trong thời gian tới. Một là, tiếp tục bám sát Chiến lược phát triển KH&CN và ĐMST đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt; bám sát các chủ trương phát triển KT-XH của tỉnh trong nhiệm kỳ; cần tập trung quan tâm hơn nữa về nguồn lực con người, nguồn lực tài chính và bộ máy tổ chức. Hai là, tập trung nghiên cứu xây dựng chùm nhiệm vụ KH&CN mang tính liên vùng, liên ngành, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và có sự phối hợp với các viện, trường để tập trung phát triển nguồn nhân lực. Ba là, đa dạng hóa nguồn lực, tập trung phát triển KH&CN và ĐMST, nguồn lực từ khối tư nhân, nguồn lực từ các chương trình, mục tiêu.

Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư đúng mức và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh Bình Định trong lĩnh vực KH&CN, ĐMST và chuyển đổi số cũng như nỗ lực của ngành KH&CN địa phương góp phần đưa Bình Định trở thành điểm sáng về hoạt động KH&CN.

Để thúc đẩy hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Định tiếp tục quan tâm và phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN trong việc lãnh đạo chỉ đạo hoạt động KH&CN và ĐMST trên địa bàn tỉnh. Tổng kết đánh giá những kinh nghiệm, cách làm hay để triển khai với các địa phương khác. Đề xuất và triển khai những nhiệm vụ KH&CN nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh phục vụ trực tiếp cho các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, như: Kinh tế biển, văn hóa du lịch, giáo dục và đào tạo… Đồng thời, tiếp tục bám sát và cụ thể hóa việc triển khai thực hiện đạt các mục tiêu của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt giao cho các cơ quan trực thuộc Bộ tham mưu, phối hợp tỉnh Bình Định giải quyết các kiến nghị trong thời gian tới. Ảnh: HH

Đối với các kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt giao cho các cơ quan trực thuộc Bộ tham mưu, phối hợp giải quyết trong thời gian tới, bao gồm: Hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh Bình Định triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển tài sản trí tuệ, trong đó có hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho Bình Định đối với 3 sản phẩm: Yến sào Bình Định, Ớt Bình Định và Bưởi Bình Định; Phối hợp tỉnh Bình Định triển khai các nhiệm vụ về hỗ trợ truy xuất nguồn gốc; Hỗ trợ tỉnh Bình Định triển khai các dự án về đầu tư tiềm lực KH&CN như kiểm định, hiệu chuẩn và kiểm tra đo lường các thiết bị y tế, vệ sinh an toàn lao động, phân tích thử nghiệm các sản phẩm xăng dầu, đồng thời phối hợp với Bình Định xây dựng tiêu chuẩn của Việt Nam; Hướng dẫn Bình Định xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ sinh học. Bên cạnh đó, hỗ trợ Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo phát triển thành cơ sở nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ nhằm thực hiện chiến lược phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ đến năm 2030; Ưu tiên xác định phê duyệt phân bổ nguồn kinh phí Trung ương để tổ chức triển khai tại tỉnh các nhiệm vụ công nghệ cấp quốc gia, như: nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, ứng dụng chuyển đổi số xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học; nghiên cứu xây dựng hệ thống quản lý giám sát tàu cá và sản xuất khai thác hải sản của tỉnh phù hợp với quy định của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác IUU; Hỗ trợ Bình Định hình thành phát triển Khu đô thị khoa học Quy Hòa và Trung tâm Trí tuệ nhân tạo - Đô thị phụ trợ tại Quy Nhơn; Hỗ trợ kinh phí cho Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo kết nối với nghiên cứu của các viện nghiên cứu và ICISE; Thúc đẩy việc ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ KH&CN và tỉnh Bình Định.

HỒNG HÀ