Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 18 năm 2022: thắp sáng tinh thần thượng tôn khoa học

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

12/07/2022 17


Sáng 11.7, trong niềm hân hoan của những người yêu khoa học trong nước và quốc tế, đài đuốc khoa học đánh dấusự kiện khoa học đầu tiên của thế giớiđã được thắp sáng tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành - ICISE. Đây cũng là sự kiện nằm trong Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 18 năm 2022 tại thành phố biển Quy Nhơn xinh đẹp.

GS Duncan Haldane, Nobel Vật lý 2016 là người châm lửa lên đài đuốc trong nghi lễ thắp đuốc khoa học, chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" lần thứ 18 năm 2022. Ảnh: HH

Ngọn đuốc được các em học sinh tạo ra nhờ ánh sáng mặt trời(thông qua hội tụ ánh sáng từ gương cầu lõm), sau khi được truyền tay qua các nhà lãnh đạo, nhà khoa học Việt Nam và thế giới đã được GS Duncan Haldane, Nobel Vật lý 2016, thắp sáng trên đài đuốc trong sân của ICISE. Ngọn đuốc khoa học sẽ được đốt cháy liên tục trong suốt một tuần diễn ra “Hội nghị khoa học Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện”, dự kiến từ ngày 11.7 đến ngày 16.7. Hội nghị là sự kiện nằm trong Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 18 năm 2022 và đã được Hội đồng chủ trì đề án trình Liên Hợp Quốc và UNESCO công nhận là sự kiện khoa học đầu tiên trên toàn thế giới hưởng ứng Năm quốc tế Khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững 2022 do Liên Hợp Quốc thông qua tháng 1.2022 và UNESCO tổ chức lễ công bố chính thức vào ngày 08.7.2022.

Quang cảnh Hội nghị khoa học Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện. Ảnh: HH

Sự kiện có sự tham dự của các đồng chí: Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Bùi Thế Duy - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ KH&CN; Nguyễn Phi Long - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Bình Định.

Hội nghị vinh dự chào đón các giáo sư: Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, Lê Kim Ngọc - Chủ tịch Hội Giúp đỡ trẻ em Việt Nam tại Pháp, Duncan Haldane - nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý năm 2016 (Trường ĐH Princeton - Mỹ), Đàm Thanh Sơn - nhà khoa học đoạt giải Dirac năm 2018 (Trường ĐH Chicago, Mỹ), Gregory Fiete (Trường ĐH Northeastern, Mỹ - Chủ trì Hội nghị); TS Sophie Maysonnave - Tham tán Hợp tác và hoạt động văn hóa, Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội; cùng 74 nhà khoa học, nhà nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu các tính chất điện tử của các vật liệu lượng tử đến từ 13 nước trên thế giới; giáo viên và 60 học sinh của 5 trường chuyên trên địa bàn các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên và Gia Lai.

GS Trần Thanh Vân phát biểu khai mạc Hội nghị khoa học Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện. Ảnh: HH

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS Trần Thanh Vân - người sáng lập chương trình Gặp gỡ Việt Nam cho biết: “Lễ thắp đuốc để cùng nhau lan tỏa tình yêu khoa học cho toàn thể Việt Nam, nhất là các thế hệ trẻ”.GS Trần Thanh Vân cũng kỳ vọng những trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm tại hội nghị giữa các nhà khoa học trẻ với người đi trước sẽ giúp các ý tưởng mới ra đời và đóng góp cho sự tiến bộ của khoa học ở Việt Nam.

Thứ trưởng KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh, sự tham gia của các nhà khoa học danh tiếng tại hội nghị quốc tế là cơ hội thảo luận những vấn đề khoa học cơ bản. Ảnh: HH

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng KH&CN Bùi Thế Duy đánh giá cao và chào đón các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực vật liệu lượng tử,trong đó có GS Ducan Haldane, Nobel Vật lý 2016 và GS Đàm Thanh Sơn, Huy chương Dirac 2018, Đại học Chicago (Mỹ).Thứ trưởng nhấn mạnh, Hội nghị lần này là cơ hội để các học sinh có niềm đam mê với khoa học được mở rộng tầm mắt và được tiếp thu thêm nhiều kiến thức bổ ích từ chính những giáo sư, tiến sĩ khoa học nổi tiếng trên thế giới.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long chia sẻ, hội nghị là động lực to lớn để thế hệ trẻ phát triển thêm về tri thức và vun đắp niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Ảnh: HH

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long bày tỏ niềm vui và lòng biết ơn khi chứng kiến rất nhiều giáo sư, nhà khoa học hàng đầu thế giới về với Quy Nhơn để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học cho các thế hệ trẻ. Đây là một động lực to lớn để thế hệ trẻ Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển thêm về tri thức cũng như vun đắp niềm đam mê nghiên cứu khoa học.

Hội nghị khoa học Điện tử lượng tử Topo tương tác trực diện sẽ tập trung nêu bật những phát triển gần đây trong nghiên cứu các tính chất cân bằng và không cân bằng của các vật liệu lượng tử mới như: Các trạng thái Topo của vật chất, các hệ hai lớp xoắn, các vật liệu từ, TMDs (transition metals dichalcogenides), siêu dẫn, các hiện tượng lượng tử trong hệ trung mô... Trong hội nghị, các bài giảng sư phạm của GS Duncan Haldane và GS Đàm Thanh Sơn hướng đến các nhà nghiên cứu trẻ (các nghiên cứu sinh và nghiên cứu viên sau tiến sĩ) nhằm cung cấp cho họ nền tảng cần thiết để tiếp nhận các báo cáo khoa học tiếp theo ở cấp độ nghiên cứu của các nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về các chủ đề của hội nghị. Bên cạnh đó, Hội thảo còn tổ chức lớp học mùa hè cho những người tham dự trẻ nhằm giúp họ thực hiện các báo cáo nghiên cứu khoa học nâng cao... 

Dịp này, các giáo sư sẽ có buổi làm việc, trao đổi và chia sẻ ngọn lửa khoa học đến với hàng trăm nhà khoa học trẻ, học sinh, người trẻ đam mê khoa học trong nước… Ngoài ra, GS Duncan Haldane cũng đã trồng cây xanh lưu niệm tại Vườn cây Nobel, trong khuôn viên ICISE - nơi đã có 15 giáo sư Nobel cùng đến Việt Nam và trồng cây lưu niệm tạo thành “Vườn cây Nobel”.

Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” được Hội Gặp gỡ Việt Nam thực hiện. Hội do GS Trần Thanh Vân sáng lập năm 1993 với mong muốn hỗ trợ quê hương trong lĩnh vực khoa học và giáo dục. Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” trở thành điểm gặp gỡ và giao lưu khoa học, thu hút hàng trăm nhà khoa học danh tiếng trên thế giới đến bàn luận về các nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực vật lý hạt, thiên văn và nano, trong đó đã có 16 lượt nhà khoa học từng đoạt giải Nobel.

Một số hình ảnh trong chuỗi sự kiện:

5 học sinh xuất sắc nhất thực hiện nghi thức tạo lửa từ ánh sáng mặt trời để mồi lửa cho ngọn đuốc khoa học. Ảnh: HH

 

Ngọn đuối mồi được truyền qua tay các đại biểu để thắp sáng đài lửa khoa học. Ảnh: HH

 

Ngọn đuốc khoa học sẽ được đốt cháy liên tục trong suốt 1 tuần diễn ra hội thảo khoa học quốc tế quan trọng này. Ảnh: HH

 

Các đại biểu trồng cây lưu niệm trong khuôn viên ICISE. Ảnh: HH

 

Các giáo sư chụp ảnh giao lưu với học sinh. Ảnh: HH

 

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: HH

HỒNG HÀ