Tổ hợp không gian khoa học: Chính thức khai trương ngày 29.4
26/04/2022 12
Tổ hợp Không gian khoa học là dự án đầu tiên trong ý tưởng xây dựng một khu đô thị khoa học giáo dục đầu tiên của Việt Nam tại Bình Định, do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đề xuất ý tưởng và được xây dựng từ cả nguồn vốn Trung ương và địa phương. Sau hơn 5 năm triển khai dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, dự án cũng cơ bản hoàn thành và sẽ chính thức mở cửa đón tiếp khách tham quan từ ngày 29.4 tới.
Cách đây hơn 5 năm, GS. Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã đề xuất với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định ý tưởng xây dựng Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa nằm tại phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. Dự án Tổ hợp Không gian khoa học (Tổ hợp) là một trong những hạng mục nằm trong Khu đô thị này và đã được Chính phủ và Bộ KH&CN phê duyệt đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước. UBND tỉnh Bình Định giao cho Sở KH&CN Bình Định làm chủ đầu tư. GS. Trần Thanh Vân và các cộng sự giữ vai trò là cố vấn khoa học của dự án.
Toàn cảnh Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo
Tổ hợp được hình thành có sứ mệnh đánh thức và khơi dậy niềm đam mê khoa học của mọi tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Hiện Tổ hợp do Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo (Trung tâm) quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng. Tổ hợp có diện tích 3,99 ha tọa lạc tại số 10 - Đại lộ khoa học, gồm 3 công trình chính: Khu khám phá khoa học, Trạm quan sát thiên văn phổ thông và Khu thiếu nhi.
Khu khám phá khoa học gồm 2 hạng mục: Bảo tàng khoa học và Nhà chiếu hình vũ trụ. Bảo tàng khoa học là nơi dành cho công chúng tương tác với các mô hình khoa học, tìm hiểu về khoa học và lịch sử khoa học. Bảo tàng gồm 7 phòng trưng bày chia theo 7 chủ đề: Hệ Mặt trời, Khám phá vật chất, Trái đất và Tài nguyên thiên nhiên, Khám phá không gian, Khám phá Sao Hỏa, “Chơi mà học!”, Vì sao lại thế.
Bảo tàng khoa học vừa hoàn thành thi công, sắp xếp lại với ánh sáng lung linh, huyền ảo mang cảm giác rất sống động, thực tế và độc đáo. Ảnh: HỒNG HÀ
Căn phòng số 0 nằm ở trung tâm của tòa nhà chính là nơi giúp khách tham quan tìm hiểu về Trái đất, các hành tinh trong Hệ Mặt trời cũng như sự hình thành của vũ trụ. Điểm nhấn của căn phòng này là quả cầu mô phỏng hành tinh OmniGlobe, thể hiện hình ảnh Trái Đất đang quay; đồng thời, mô phỏng các hiện tượng trên Trái đất và bề mặt của các hành tinh trong Hệ Mặt trời. Sang phòng số 1, người xem sẽ được tìm hiểu cấu tạo của vật chất qua các thời cổ đại, cận đại và hiện đại thông qua một mảng tường cong đầy sáng tạo. Tại phòng số 2, khách tham quan sẽ gặp ngay một sa bàn được bố trí ở giữa phòng, mô phỏng các dạng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều, địa nhiệt, thủy điện… Qua đó, giúp người xem cảm nhận được mối tương quan, sự tác động của con người với Trái Đất. Đến phòng số 3, khách tham quan được khám phá các công nghệ không gian giúp con người cải thiện cuộc sống trên chính Trái đất. Phòng số 4 sẽ đưa người xem vào một không gian tưởng tượng đang du hành đến sao Hỏa để khám phá các đặc điểm của sao Hỏa thông qua các mô hình tương tác đa phương tiện và các mô hình tỷ lệ thực mang tính trực quan cao. Phòng số 5 giúp khách tham quan tự do khám phá, trải nghiệm các mô hình khoa học, đặc biệt là chuỗi các mô hình toán học theo cách riêng của mình. Điểm hấp dẫn của căn phòng này là sân khấu trình diễn các thí nghiệm khoa học để người xem có thể tương tác trực tiếp với các mô hình khoa học. Phòng số 6 là nơi trình diễn các mô hình, trò chơi được thiết kế từ việc ứng dụng các khái niệm khoa học đơn giản của các môn học Vật lý, Toán học hay Sinh học. Thông qua đó, giúp người xem cảm nhận được rằng, khoa học không ở đâu xa xôi mà luôn đồng hành trong cuộc sống của chúng ta.
7 căn phòng được thiết kế, sắp xếp một cách khoa học giúp người xem có cảm giác như đang trôi theo dòng chảy của thời gian từ quá khứ cho đến hiện tại; cảm giác con người và thiên nhiên thật gần gũi, chân thực, không quá trừu tượng, khó gần như chúng ta vẫn nghĩ. Chính sự gần gũi này giúp người xem nhận ra rằng, mỗi hành động của chúng ta đều có sự tương tác nhất định với Trái Đất và vì thế, chúng ta cần học cách bảo vệ hành tinh xinh đẹp này. Đó là cách chúng ta trả ơn cho Trái Đất giúp con người duy trì sự sống.
Phòng chiếu hình đưa người xem vào một chuyến du hành vũ trụ đầy thú vị. Ảnh: HỒNG HÀ
Cũng nằm trong Khu khám phá khoa học, Nhà chiếu hình vũ trụ vừa đưa vào hoạt động trong thời gian gần đây, tạo điểm nhấn hấp dẫn cho Tổ hợp. Nhà chiếu hình được thiết kế giống như một rạp chiếu phim với 80 ghế ngồi, phía bên trên là một vòm trời nhân tạo cỡ lớn có đường kính 12 m. Nó cho người xem có cảm giác như đang du hành trong vũ trụ tham quan các thiên thể và có thể với tay hái được các ngôi sao lấp lánh trong một bầu trời đêm đầy sao hay chạm tay vào dải ngân hà, mặt trời, mặt trăng, sao chổi, sao băng... Trong số 3 nhà chiếu hình hiện có tại Việt Nam, Nhà chiếu hình tại Trung tâm hiện được đánh giá hiện đại nhất hiện nay. Hai nhà chiếu hình vũ trụ còn lại là Đài thiên văn Nha Trang và Đài thiên văn Hòa Lạc thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.
Rời khỏi Khu khám phá khoa học, khách tham quan sẽ gặp Trạm quan sát thiên văn phổ thông nằm ngay bên ngoài. Trạm là nơi phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phổ biến khoa học và các sự kiện thiên văn cộng đồng. Trạm hiện có nhiều thiết bị hiện đại, tiên tiến, bao gồm 10 kính thiên văn phổ thông và 1 kính thiên văn quang học có khẩu độ 60 cm, có hệ thống chân đế được điều khiển tự động. Đây là chiếc kính thiên văn lớn nhất đang có tại Việt Nam hiện nay, cho phép quan sát một vật thể ở khoảng cách hơn 1 tỷ năm ánh sáng. Nhờ vậy, người xem có thể thỏa sức ngắm nhìn dải Ngân Hà đẹp huyền bí trong bầu trời đêm hay chụp hình các hành tinh xa xôi.
Các em nhỏ hào hứng tương tác với các mô hình được trình diễn tại Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo. Ảnh: HỒNG HÀ
TS. Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN, Giám đốc Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo, cho biết: “Các hạng mục thi công chính của Tổ hợp như: Bảo tàng khoa học, Nhà chiếu hình vũ trụ, Trạm quan sát thiên văn phổ thông cơ bản đã hoàn thành, sẵn sàng đưa vào phục vụ công chúng trong dịp khánh thành 29.4 tới”.
Thời gian qua, Trung tâm vẫn mở cửa đón khách vào tham quan, song chỉ với số lượng hạn chế và vào những dịp đặc biệt. Sau sự kiện khánh thành Tổ hợp không gian khoa học, Trung tâm sẽ chính thức mở cửa cho tất cả công chúng đến tham quan.
HỒNG HÀ