Hội thảo chỉ dẫn địa lý cho mai vàng Bình Định
25/01/2022 15
Ngày 22.1, tại TX An Nhơn, Sở KH&CN tổ chức Hội thảo khoa học triển khai nhiệm vụ và đánh giá, phân tích, so sánh tính chất đặc thù cảm quan của mai vàng Bình Định thuộc nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định”. Đây là dự án nằm trong Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 do Bộ KH&CN quản lý. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), sở, ban, ngành và viện trường, cùng các nghệ nhân làng nghề mai vàng Bình Định.
TS. Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN Bình Định Phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo TS. Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN Bình Định cho biết: Qua nhiều năm xây dựng và phát triển, đến nay thị xã An Nhơn có khoảng 3.000 hộ trồng mai vàng thương mại với tổng diện tích khoảng 300ha và khoảng trên 1,5 triệu chậu mai có thể xuất bán, tập trung chủ yếu (trên 90%) là các giống mai Giảo, Cúc mai. Để giúp nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người trồng mai vàng của tỉnh Bình Định, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các làng nghề và giữ gìn nét văn hóa truyền thống của nghề trồng mai, thì việc xây dựng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng Bình Đình là rất cấp bách hiện nay.
Đại biểu, nhà khoa học, nghệ nhân đã tiến hành đánh giá, phân tích những nét đặc trưng của mai vàng Bình Định
Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học, nghệ nhân đã tiến hành đánh giá, phân tích những nét đặc trưng riêng, so sánh tính chất đặc thù cảm quan của mai vàng Bình Định so với mai vàng ở các tỉnh khác. Theo đó, mai vàng Bình Định đã thể hiện được tính chất riêng biệt, có mối liên hệ với điều kiện tự nhiên, sinh thái của địa phương. Đây chính là cơ sở khoa học để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho mai vàng của Bình Định.
Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Sở KH&CN) phát biểu tại Hội thảo
Theo Ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN): Sở hữu trí tuệ có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh Bình Định. Để Mai vàng Bình Định được bảo hộ Sở hữu trí tuệ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý còn một chặng đường dài phía trước. Vì vậy, muốn sớm được công nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Mai vàng Bình Định thì sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; giúp họ hiểu rõ về mục đích, giá trị của chỉ dẫn địa lý đã và đang xây dưng đăng ký bảo hộ…
Bà Võ Cao Mộng Hoài, Phó giám đốc Sở KH&CN Bình Định, trình bày những mục đích của nhiệm vụ
Phát biểu tại Hội thảo Bà Võ Cao Mộng Hoài, Phó giám đốc Sở KH và CN Bình Định, chủ nhiệm Nhiệm vụ: Tại Hội thảo khoa học chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định, các đại biểu Hội viên hội sinh vật cảnh, các nhà khoa học, nông dân trồng Mai vàng ở An Nhơn tham gia nhiều ý kiến đóng góp, giúp cơ quan quản lý thực hiện Nhiệm vụ một lần nữa xác định được các dấu hiệu đặc trưng mang tính đặc thù của Mai vàng Bình Định. Trên cơ sở điều tra, phân tích khoa học dựa trên kết quả nghiên cứu sẽ giúp phân biệt, không gây nhầm lẫn với mai vàng các địa phương khác; góp phần quảng bá sản phẩm “Mai vàng Bình Định”, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
Tin ảnh H. Tuấn