Bình Định có thêm hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

13/01/2021 23


Ngày 31.12.2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2283/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 9) năm 2020 gồm 24 hiện vật, nhóm hiện vật ở 13 tỉnh, thành trong cả nước được công nhận bảo vật quốc gia. Trong đợt này, tỉnh Bình Định có Phù điêu nữ thần Sarasvati (niên đại thế kỷ XII) đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.

Phù điêu nữ thần Sarasvati trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định được công nhận bảo vật quốc gia năm 2020

Phù điêu nữ thần Sarasvati có hình thức thể hiện độc đáo so với các phù điêu khác, nghệ thuật tạo hình mượt mà, uyển chuyển. Nữ thần được khắc nổi trong khung hình lá nhỉ, thể hiện với 3 đầu, 4 tay, ngồi trên tòa sen, uốn mình, động tác các cánh tay trong thế múa. Mỗi đầu đội mũ chóp nhọn có trang trí 3 tầng hoa văn cánh sen; có 4 cánh tay, hai cách tay phía trước như đang bắt ấn thiền (Vitarka mudra), hai cánh tay phụ phía sau, một tay cầm chuỗi tràng hạt, một tay cầm búp sen trong tự thế múa uyển chuyển, sống động. Cách thể hiện của Phù điêu nữ thần Sarasvati là hình tượng độc nhất vô nhị và thể hiện tính nữ của thần Brahma rõ nét nhất.

Phù điêu nữ thần Sarasvati có chất liệu đá sa thạch, chiều cao 80 cm, rộng 60 cm, dày 26 cm, trọng lượng 200 kg, được người dân phát hiện trong quá trình khai thác đất tại khu vực phế tích tháp Châu Thành (khu vực Châu Thành, phường Nhơn Thành, TX An Nhơn), có niên đại vào đầu thế kỷ XII, mang phong cách nghệ thuật giai đoạn đầu của Phong cách tháp Mẫm, một khuynh hướng nghệ thuật, thẩm mỹ tiêu biểu trong nền nghệ thuật điêu khắc Champa ở Bình Định.

Du khách thăm quan tại Bảo tàng tại tỉnh Bình Định

Như vậy hiện nay tại tỉnh Bình Định ngoài Phù điêu nữ thần Sarasvati  còn có tượng thần Brahma, nữ thần Mahishasuramardini, 2 tượng chim thần Garuda diệt rắn, 2 tượng hộ pháp (ông Đỏ ông Đen ) chùa Nhạn Sơn được công nhận bảo vật quốc gia.

Tin ảnh H. Tuấn