Nuôi lươn không bùn
04/12/2020 29
Anh Nguyễn Tấn Danh (28 tuổi, ở đội 1- thôn Thọ Nghĩa, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước) đang rất thành công với mô hình nuôi lươn không bùn. Đây cũng là tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế gia đình tại địa phương này nhờ biết chuyển đổi đối tượng nuôi và đã mang lại hiệu quả thiết thực, đạt thu nhập cao.
Anh Nguyễn Tấn Danh và hồ nuôi lươn không bùn của mình
Anh Danh cho biết về mối duyên gắn bó với nghề nuôi lươn không bùn: “Trước đây để làm kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, tôi cũng đã trải qua nhiều cách làm khác nhau: từ nuôi gà, nuôi cá, đến trồng rau màu các loại, … nhưng thu nhập cũng không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình. Với khát vọng vươn lên làm giàu, ngay trên mảnh đất quê hương, tôi đã tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ rất nhiều mô hình kinh tế nhưng cuối cùng lại quyết định triển khai thực hiện nuôi lươn không bùn.
Vào tháng 2 năm 2020, sau gần 6 tháng vào miền Nam để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, anh Danh trở về địa phương, tận dụng 30 m2 diện tích đất vườn nhà sẵn có, xây 4 hồ nuôi lươn. Ban đầu anh đầu tư 50 triệu đồng để mua 10.000 con lươn giống về thả nuôi, khâu chọn con giống đặc biệt quan trọng. Vì vậy, anh tìm mua lươn giống ở một cơ sở có uy tín, chất lượng, tránh tỷ lệ hao hụt. Tùy theo diện tích hồ mà thả nuôi số lượng tương ứng từ 270 - 320 con/m2. Mỗi chuồng anh thả 3 chùm dây ni lông để lươn có chỗ trú ẩn. Bên cạnh đó, nguồn nước phải đảm bảo sạch, vì thế cần thay nước thường xuyên từ 2 - 3 lần/ngày. Ngoài việc cung cấp thức ăn đầy đủ, cần bổ sung men tiêu hóa và vitamin để lươn tăng sức đề kháng, chống bệnh tật và chịu được sự thay đổi thời tiết đột ngột. Nuôi lươn không khó, vấn đề quan trọng là phải thường xuyên theo dõi hoạt động của lươn, nếu phát hiện lươn bệnh phải cách ly và điều trị kịp thời. “Thời gian đầu khi thả lươn vào hồ nuôi, lươn hay bị “sốc môi trường”, có biểu hiện thải nhiều nhớt, xoắn mình vào nhau, ngoi đầu lên mặt nước để thở, nếu để nặng, lươn có thể bị xuất huyết và chết hàng loạt. Chính vì thế, cần hường xuyên kiểm tra hồ nuôi, không để rắn, ếch, chuột xâm nhập gây thiệt hại. Nuôi lươn không bùn khác nuôi lươn có bùn là có thể kiểm soát được dịch bệnh, ngoài ra, còn tận dụng được diện tích đất trong gia đình để nuôi”. Anh Danh nói thêm.
Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Danh còn áp dụng hệ thống nước tuần hoàn khép kín không chỉ tiết kiệm chi phí, xử lý tốt nguồn nước mà còn đảm bảo vệ sinh môi trường. Thông thường, thời gian nuôi lươn từ 4 - 5 tháng, trọng lượng đạt 4 - 5 con/1 kg là có thể xuất bán được. Mỗi năm bình quân anh nuôi 4 lứa, với giá lươn thịt hiện nay dao động từ 170.000-200.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí anh có thể thu lãi trên 150 triệu đồng/năm.
Mỗi năm bình quân anh nuôi 4 lứa sau khi trừ hết chi phí anh Danh có thể thu lãi trên 150 triệu đồng/năm.
Nói về dự định của mình trong thời gian tới, anh cho biết: Hiện nay tôi đang chuẩn bị xây thêm hồ và mua lươn giống về thả để mở rộng diện tích. Chỉ cần có đam mê, cùng với quyết tâm, mọi người hoàn toàn có thể làm giàu ngay chính trên quê hương của mình. “Tôi cũng luôn sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ cho ai muốn học hỏi kinh nghiệm để thực hiện mô hình nuôi lươn không bùn này” anh Danh chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Lệ- Bí thư đoàn thanh niên xã Phước Nghĩa nhận xét: “Có thể nói, thành công từ mô hình nuôi lươn không bùn của anh Danh không những tạo nguồn thu nhập hiệu quả cho gia đình, mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế và khởi nghiệp cho lực lượng đoàn viên thanh niên; nhất là trong tình hình hiện nay. Khi giá cả một số vật nuôi ngày càng bấp bênh thì mô hình nuôi lươn không bùn lại có đầu ra ổn định, giá trị kinh tế cao; góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Tin bài Xuân – Hoàng