Cải thiện và nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) của tỉnh Bình Định
06/05/2025 21
Sáng 5.5, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Cải thiện và nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) của tỉnh”. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Cục Đổi mới sáng tạo (Bộ KH&CN), đại diện các Sở, ban ngành, chính quyền địa phương, trường đại học, viện nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
PII – Provincial Innovation Index – là bộ chỉ số do Bộ KH&CN chủ trì xây dựng nhằm đo lường mức độ đổi mới sáng tạo của từng địa phương trên cả nước. Chỉ số này gồm 7 trụ cột, trong đó có các nội dung như: thể chế, vốn con người & nghiên cứu phát triển, cơ sở hạ tầng, trình độ thị trường, năng lực doanh nghiệp, sản phẩm tri thức – công nghệ, và tác động xã hội – kinh tế.
Năm 2024, tỉnh Bình Định xếp hạng 22/63 địa phương cả nước với điểm số PII đạt 37.88, cao hơn trung bình vùng và nhóm địa phương có mức thu nhập khá. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn nhiều dư địa cải thiện, đặc biệt ở trụ cột "vốn con người và nghiên cứu phát triển" và "sản phẩm tri thức – công nghệ" – hai lĩnh vực then chốt phản ánh năng lực sáng tạo và chuyển giao tri thức của địa phương.
Tại hội thảo, đại diện Cục Đổi mới sáng tạo đã chia sẻ kinh nghiệm từ các địa phương dẫn đầu PII như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu…, đồng thời phân tích những rào cản Bình Định đang gặp phải như số lượng sáng chế thấp, tỉ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn hạn chế, hay liên kết viện-trường-doanh nghiệp chưa hiệu quả.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hồng Hà
Vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Đại diện Công ty Cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar) chia sẻ tại hội thảo rằng, trong suốt quá trình phát triển, doanh nghiệp luôn xác định đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn để nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dược phẩm – y tế, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Bidiphar đã đầu tư mạnh mẽ vào dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP, tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao sản xuất thuốc điều trị ung thư và kháng sinh đặc trị.
Doanh nghiệp này cũng đã đẩy mạnh đăng ký sáng chế và kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm chủ lực, đồng thời tham gia xây dựng các bộ nhận diện thương hiệu quốc tế. Thực tế, Bidiphar là một trong số ít doanh nghiệp tại địa phương có bằng sáng chế được công nhận, góp phần trực tiếp cải thiện các chỉ số thành phần thuộc Trụ cột 6 – “Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ” của bộ chỉ số PII.
Đại diện công ty nhấn mạnh, việc bảo hộ tài sản trí tuệ, xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ bài bản không chỉ là “tấm khiên” bảo vệ doanh nghiệp trước rủi ro sao chép, mà còn là “đòn bẩy” để mở rộng thị trường quốc tế và nâng cao giá trị sản phẩm Việt trên trường thế giới.
Trong Kế hoạch 166/KH-UBND, tỉnh đã xác định rõ các mục tiêu cải thiện chỉ số PII như: tăng số lượng đơn sáng chế, nhãn hiệu, mô hình hữu ích; nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp KH&CN; đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo gắn với Chương trình OCOP và bảo hộ tài sản trí tuệ.
TS. Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN Bình Định phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hồng Hà
Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo Sở KH&CN Bình Định nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để tăng trưởng kinh tế bền vững. Để thực sự vươn lên trong bảng xếp hạng PII, cần có sự đồng hành quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chủ động của doanh nghiệp, sự hợp tác từ viện-trường và sự dẫn dắt từ ngành khoa học công nghệ.”
Hùng Tuấn