Đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS (Tiếp theo kỳ trước)
06/05/2025 15
Vệ tinh NanoDragon được thiết kế, tích hợp bởi Trung tâm vũ trụ Việt Nam. Ảnh VNSC
Một số kinh nghiệm quốc tế
Mỗi quốc gia phải có con đường riêng về phát triển KHCN/ĐMST/CĐS. Nhưng kinh nghiệm quốc tế, cả thành công và chưa thành công, đều có nhiều gợi mở cho chúng ta.
1. Kinh nghiệm Trung Quốc
Trung Quốc đặt phát triển KHCN/ĐMST trong bối cảnh CĐS và gắn với CĐS. Coi CĐS là môi trường mới rất thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ KHCN/ĐMST. Mặt khác, KHCN/ĐMST phát triển cũng thúc đẩy CĐS.
Họ chú trọng ĐMST, chú trọng phần ứng dụng trước, nhưng là ứng dụng có sáng tạo. Chỉ số sáng tạo toàn cầu của Trung Quốc trong 12 năm, từ 2012-2024, tăng 23 hạng, và hiện xếp thứ 11.
Họ chú trọng sản xuất. Chương trình Made in China 2025 tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chiến lược. Trung Quốc cũng ưu tiên làm chủ các công nghệ chiến lược, như Robot, AI, IoT, sinh học, vũ trụ, năng lượng mới. Trung Quốc hướng các hoạt động KHCN/ĐMST/CĐS vào hai ưu tiên: Công nghệ chiến lược và công nghiệp chiến lược.
Trung Quốc có cách tiếp cận thể chế mềm về những cái mới, thay vì ra luật sớm thì ra các định hướng của Trung ương và quy định tạm thời của chính phủ.
Luôn có cách tiếp cận phổ cập: Từ Internet+: Số hóa toàn diện, tới Dữ liệu x: Dữ liệu toàn diện, ứng dụng dữ liệu trong mọi ngành để nhân cao giá trị, đến AI+: AI toàn diện, đưa trí tuệ nhân tạo vào mọi lĩnh vực, để thông minh hóa, tăng NSLĐ trong toàn bộ nền kinh tế.
Trung Quốc rất thành công trong việc làm các thí điểm lớn rồi nhân rộng. Các thí điểm lớn do trung ương trực tiếp chỉ đạo để làm nhanh và làm tới thành công.
Đầu tư KHCN/ĐMST của Trung Quốc đạt 2,43% GDP (gấp 5 lần Việt Nam).
2. Kinh nghiệm Hàn Quốc
Hàn Quốc kết hợp tốt FDI và nội địa hóa ngay từ đầu.
Có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ một số doanh nghiệp lớn trong nước phát triển công nghiệp, công nghệ, nhưng là hỗ trợ có điều kiện, doanh nghiệp phải xuất khẩu được sản phẩm, tức là phải có năng lực cạnh tranh quốc tế. Từ đó đã hình thành được các tập đoàn công nghệ quốc gia lớn mạnh, dẫn dắt trong nước và ảnh hưởng toàn cầu.
Họ lựa chọn đúng các công nghệ, công nghiệp chiến lược để tập trung cho từng giai đoạn, như thép, đóng tàu, bán dẫn (bộ nhớ), ôtô.
Chi cho KHCN/ĐMST của Hàn Quốc vào loại rất cao trên thế giới, đạt 4,9% GDP (gấp gần 10 lần Việt Nam, đứng thứ hai thế giới, sau Israel).
GDP của Hàn QUốc tăng 450 lần trong 60 năm qua.
3. Kinh nghiệm Nhật Bản
Nhật Bản ý thức cải tiến công nghệ nhập khẩu ngay từ những ngày đầu. Giai đoạn Ăn đi ngay với Tiêu hóa.
Ý thức ĐMST của Nhật Bản đã có từ thế kỷ trước, từ trong gene của người Nhật, đây là đặc điểm văn hóa (liên tục cải tiến) mà Nhật Bản đã tận dụng được trong phát triển KHCN. Tận dụng được đặc điểm văn hóa trong chiến lược phát triển quốc gia luôn là yếu tố quan trọng đảm bảo thành công của chiến lược.
Nhật Bản chọn đúng trọng tâm là ngành công nghiệp điện tử dân dụng. Ngành này có thị trường lớn, tận dụng được bộ ba: Điện tử - Bán dẫn - Cơ khí chính xác để làm ra các thiết bị điện tử nhỏ gọn, chất lượng cao, lại phù hợp với văn hóa Kaizen luôn tiến tới sự hoàn hảo của người Nhật.
3. Kinh nghiệm Brazil
Brazil chi tới 4% ngân sách nhà nước cho KHCN (gấp 8 lần Việt Nam), nhưng chi nhiều cho khối viện trường, ít chi cho doanh nghiệp. Tạo ra được một số ít thành công, thí dụ như hãng sản xuất máy bay Embraer, nhưng chỉ là một ngôi sao đơn lẻ, không kéo theo được chuỗi cung ứng công nghệ nội địa.
Họ không tạo được liên kết giữa KHCN và sản xuất, giữa nghiên cứu và doanh nghiệp. Các công trình nghiên cứu hàn lâm không thương mại hóa được. Tình trạng nghiên cứu ở trên Trời, đi từ trên Trời xuống Đất nên ít thành công. Khá giống với Việt Nam hiện nay.
Thực trạng của Việt Nam
Về tồn tại của KHCN, ĐMST và CĐS
Thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách về KHCN, ĐMST và CĐS đang là điểm nghẽn của điểm nghẽn, chưa giải phóng được các nguồn lực, nhất là thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền và chậm chấp nhận cái mới.
Đặc điểm lớn nhất của thời đại chúng ta đang sống là CĐS. Phát triển KHCN/ĐMST phải đặt trong bối cảnh CĐS để phổ cập nhanh các ứng dụng mới. CĐS vừa là đất phát triển vừa là mục tiêu của KHCN/ĐMST. |
Nghiên cứu, ứng dụng KHCN/ĐMST/CĐS chưa có bước đột phá. Chi KHCN còn thấp. Chưa làm chủ công nghệ chiến lược. Còn có khoảng cách xa so với nhóm các nước phát triển.
Nhân lực chất lượng cao, nhân tài còn thiếu. Hạ tầng KHCN/ĐMST/CĐS chưa đồng bộ. An toàn, an ninh thông tin còn nhiều thách thức.
Nhận thức các cấp, các ngành, người dân về KHCN/ĐMST /CĐS chưa tới, chưa đầy đủ và sâu sắc. Chưa toàn dân và toàn diện.
Các tồn tại trên chủ yếu là do chúng ta chưa đặt trọng tâm vào đây nên chưa tập trung làm, chưa có cách làm đúng. Nhưng Nghị quyết 57 đã tạo ra sự đột phá về nhận thức, tạo tiền đề cho các đột phá thực thi. Mọi việc bắt đầu chuyển động đúng hướng.
Về sự cần thiết phải đột phá
Tăng trưởng truyền thống đã tới hạn, khó vượt qua được giới hạn 7%/năm. Nên phải chuyển từ mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống sang mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nó tạo ra quản trị quốc gia hiện đại, tạo ra năng suất, chất lượng, tạo ra độc lập, tự cường, giảm sự phụ thuộc vào các cú sốc toàn cầu.
Cách tiếp cận của Việt Nam
Mỗi quốc gia có văn hóa riêng, có ngữ cảnh riêng, có trình độ phát triển và chế độ khác nhau. Bởi vậy, tìm ra cách tiếp cận phù hợp là quan trọng hàng đầu. Chưa có hai quốc gia nào hóa rồng theo cùng một cách giống nhau.
Về sự lãnh đạo của Đảng
Đảng lãnh đạo toàn diện sự nghiệp KHCN/ĐMST/CĐS của đất nước. Bởi vì đây là sự nghiệp lớn, đưa Việt Nam hóa rồng. Đảng lãnh đạo để có tầm nhìn xa trông rộng, mang tính toàn cục, tập trung vào cốt lõi. Đảng lãnh đạo để phát huy lợi thế của chế độ trong việc tập trung sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện những nhiệm vụ lớn.
|
Thành lập Ban Chỉ đạo TW về KHCN/ĐMST/CĐS. Tổng Bí thư Tô Lâm là Trưởng Ban chỉ đạo TW. Thành lập BCĐ các cấp do người đứng đầu làm trưởng ban, tạo thành một hệ thống chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương. KHCN/ĐMST/CĐS trở thành công việc thường xuyên của các cấp ủy Đảng.
Đảng bố trí một tỷ lệ phù hợp cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm KHCN/ĐMST/CĐS vào cấp ủy các cấp. Trước đến nay, một số nghị quyết thì tốt, thực thi chưa tốt có lý do là thiếu cán bộ lãnh đạo có chuyên môn.
Nghị quyết khoán 10 về KHCN/ĐMST/CĐS
Tinh thần khoán 10 của Nghị quyết 57 là: Quản lý theo mục tiêu, không quản cách làm; trao quyền tự chủ và trách nhiệm cho người làm; chấp nhận rủi ro, đánh giá dựa trên hiệu quả tổng thể; người làm được hưởng lợi từ thành quả lao động và sáng tạo.
Khoán 10 là để thoát nghèo. Nghị quyết 57 là để thoát bẫy thu nhập trung bình. Khoán 10 là để giải phóng sức lao động. Nghị quyết 57 là để giải phóng sức sáng tạo. Từ chỗ thiếu KHCN/ĐMST/CĐS, chúng ta sẽ tiến tới đủ, thừa, xuất khẩu và xuất khẩu lớn về KHCN/ĐMST/CĐS, giống như chúng ta đã làm được đối với nông nghiệp.
Phát triển phải hướng đến kết quả cuối cùng và đo lường được
Phát triển KHCN/ĐMST/CĐS phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Cụ thể, KHCN/ĐMST/CĐS lúc này phải hướng vào tăng năng lực quản trị quốc gia, hướng vào sản xuất, tăng NSLĐ.
Quản lý KHCN/ĐMST/CĐS thì đầu tiên phải đo lường được đóng góp của nó tới tăng trưởng kinh tế. Không đo lường, không đánh giá được thì không quản lý được, không thúc đẩy được và không biết được hiệu quả, rất dễ dẫn đến lãng phí. Nhiều quốc gia chi rất nhiều cho KHCN những vẫn không thoát được bẫy thu nhập trung bình, là do không hướng tới kết quả cuối cùng.
KHCN nhiều năm qua tập trung vào chi mà chưa đo lường, đánh giá được đầu ra, chưa đánh giá được hiệu quả hoạt động KHCN. Sắp tới, chi nhiều hơn cho KHCN, cơ chế chi lại thông thoáng hơn thì càng cần đo lường hiệu quả đầu ra. Bộ KH&CN sẽ ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động KHCN/ĐMST/CĐS.
Chuyển từ quản lý đầu vào sang quản lý đầu ra
Đo lường được kết quả đầu ra của KHCM/ĐMST/CĐS mang tính quyết định để chúng ta chuyển đổi từ quản lý đầu vào sang quản lý đầu ra.
Chuyển quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển từ quản lý đầu vào sang quản lý đầu ra (từ đếm hóa đơn chứng từ sang đếm kết quả nghiên cứu), từ quản lý quá trình sang quản lý mục tiêu, từ không chấp nhận rủi ro của từng dự án nghiên cứu sang đánh giá hiệu quả tổng thể của các dự án nghiên cứu và chấp nhận rủi ro của một dự án nghiên cứu.
Chuyển từ chi rón rén cho KHCN/ĐMST/CĐS sang chi nhiều hơn (từ 1% ngân sách sang 3% ngân sách, từ 0,5% GDP sang 2-4% GDP), từ kiểm soát chi phí nghiên cứu sang khoán chi, từ trả lại kết quả nghiên cứu cho nhà nước sang để lại cho cơ sở nghiên cứu để thương mại hóa, từ người nghiên cứu chỉ nhận được tiền công nghiên cứu sang người nghiên cứu được hưởng một phần kết quả thương mại, và giàu lên chính đáng.
Nghiên cứu kinh nghiệm các nước chi nhiều cho KHCN mà vẫn thất bại trong vượt bẫy thu nhập trung bình thì đều là do không quản lý hướng tới đầu ra.
Phát triển trong một hệ sinh thái
Hệ sinh thái KHCN/ĐMST/CĐS phải hoàn chỉnh và cân bằng, bao gồm thể chế (thể số số, thể chế ĐMST, thể chế KHCN), hạ tầng (hạ tầng số, hạ tầng ĐMST, hạ tầng KHCN), hệ thống giáo dục, đào tạo nhân lực (đặc biệt là nhân tài), nhà nước, viện, trường, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa.
Các nước thất bại trong phát triển KHCN/ĐMST/CĐS thì đều là các nước không có hệ sinh thái, hoặc có nhưng không cân đối, như lệch về FDI (Malaysia), hoặc lệch về viện trường (Brazil).
Đặt trong bối cảnh CĐS
Đặc điểm lớn nhất của thời đại chúng ta đang sống là CĐS. Phát triển KHCN/ĐMST phải đặt trong bối cảnh CĐS để phổ cập nhanh các ứng dụng mới. CĐS vừa là đất phát triển vừa là mục tiêu của KHCN/ĐMST.
CMCN lần thứ tư là cuộc cách mạng số: 50% các công nghệ 4.0 là công nghệ số: Internet vạn vật, Dữ liệu lớn, Điện toán đám mây, Trí tuệ nhân tạo, Chuỗi khối, Thực tế ảo. 50% các công nghệ còn lại là dựa trên công nghệ số để phát triển. 70-80% ĐMST là ĐMST số. 82% các kỳ lân công nghệ (công ty công nghệ có giá trị thị trường trên 1 tỷ USD) là các kỳ lân công nghệ số.
CĐS tạo ra dữ liệu, tài nguyên mới, nhưng chuyển tài nguyên này thành tiền, thành giá trị mới thì phải là KHCN/ĐMST.
KHCN/ĐMST giúp Việt Nam làm chủ các công nghệ chiến lược và từ đó, làm chủ tiến trình CĐS, đảm bảo cho tiến trình này an toàn.
Đảo chiều
Cách tiếp cận truyền thống về làm KHCN là đi từ KH -> CN -> ĐMST -> CĐS, tức là đi từ trên Trời xuống Đất. Thường áp dụng cho các nghiên cứu cơ bản tại các nước đã phát triển, có hệ sinh thái NCPT lâu đời.
Cách tiếp cận mới đi từ CĐS -> ĐMST -> CN -> KH. CĐS làm trước để tạo môi trường cho ĐMST. ĐMST tạo ra nhu cầu về làm chủ CN. Phát triển CN sẽ tạo ra bài toán cho nghiên cứu KH. Tức là đi từ dưới Đất lên Trời. Lấy thực tiễn và nhu cầu phát triển làm đầu vào cho nghiên cứu KHCN.
Mối quan hệ ba nhà, Nhà nước - Viện trường - Doanh nghiệp, cũng phải có thêm một chiều nữa là Doanh nghiệp - Viện trường - Nhà nước. Doanh nghiệp thực hiện ĐMST sẽ phát sinh nhu cầu về KHCN, thì chủ động mang bài toán, vấn đề của mình tìm đến viện, trường và hợp tác với viện, trường. Nhà nước sẽ hỗ trợ mối quan hệ này.
Kinh nghiệm không thành công về phát triển KHCN/ĐMST/CĐS của các nước đều cho thấy nghiên cứu KHCN thiếu chiều đi từ thực tiễn.
Xếp hạng quốc tế Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển 0,5% GDP, bằng 1/3 trung bình thế giới, mức thấp của các nước đang phát triển, và bằng 60% các nước ASEAN. Chi ngân sách nhà nước cho chuyển đổi số trên 1%, đạt mức trung bình thế giới. |
(Kỳ sau xem tiếp)
Bài đăng KH&PT số 1341 (số 17/2025)
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng