Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế trong KH&CN

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

25/03/2025 9


Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu trong Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, diễn ra vào sáng ngày 18/3/2025, là tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế trong hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo, góp phần tạo đột phá để phát triển nhanh, bền vững.

Ảnh: Đại học BKHN.

Ảnh: Đại học BKHN.

Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) đã mở ra rất nhiều vấn đề và lĩnh vực then chốt mà các hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số có thể tham gia. Đó cũng là một con đường lớn để Việt Nam có thể hội nhập và định vị mình trên bản đồ quốc tế.

Không khó để thấy rằng, những hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo ngày nay đang tiếp tục mở ra các cơ hội gia tăng sự thịnh vượng và tiềm lực cho các quốc gia tiên tiến trên toàn cầu. Những đột phá KH&CN mới đang phát huy sức mạnh trên nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội, có thể kể đến như 1) các công nghệ AI và chăm sóc sức khỏe, bao gồm các chẩn đoán dựa trên các thuật toán AI phân tích hình ảnh y khoa, phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, cải thiện độ chính xác trong chẩn đoán, y học cá thể hóa cho phép phát triển những điều trị cá nhân hóa dựa trên lịch sử bệnh tật, xét nghiệm di truyền, khám phá thuốc với sự hỗ trợ của AI để nhận diện những ứng viên thuốc mới, tối ưu thuốc hiện có, sử dụng robot phẫu thuật; 2) công nghệ chỉnh sửa gene và công nghệ sinh học, bao gồm công nghệ CRISPR -Cas9 cho phép chỉnh sửa DNA chính xác, mở ra rất nhiều tiềm năng chống lại các bệnh di truyền, phát triển các liệu pháp gene, giải trình tự RNA để hiểu được biểu hiện gene và hoạt động của gene, hiểu được các quá trình sinh học phức tạp, thiết kế các cơ quan nhân tạo của cơ thể người; 3) in và sản xuất theo công nghệ 3D có thể tạo ra các cấu trúc phức hợp như cơ quan cơ thể người và mô, thúc đẩy y học cá nhân hóa và liệu pháp y học tái tạo, in 3 D vật liệu tạo ra vật liệu mới, cho phép tạo ra sản phẩm mới nhẹ hơn, có độ cứng lớn hơn và bền hơn, thậm chí in 3D tạo ra các công cụ và cấu trúc trong không gian, cho phép sản xuất tại chỗ…

Những đột phá đó không chỉ giải quyết được những nhu cầu phát triển cấp bách của xã hội mà còn trở thành những động lực kinh tế mới, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của các quốc gia. Để có thể vươn lên đạt tới trình độ phát triển cao hơn hiện tại, Việt Nam cũng sẽ cần tạo ra những đột phá KH&CN và ĐMST của riêng mình. Tuy nhiên, điều đó trước hết đòi hỏi sự đầu tư các nguồn lực tương xứng.

Cần một luật sửa nhiều luật

Trong phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề cập đến Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội như những nền tảng quan trọng để các hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trở thành động lực tăng trưởng của quốc gia. Trong đó, Thủ tướng chỉ ra ba nhóm nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện là tập trung tháo gỡ thể chế và nâng cao nguồn lực đầu tư cho KH&CN, đa dạng hóa đào tạo nguồn nhân lực. Với những người làm trong lĩnh vực KH&CN, đổi mới sáng tạo, cả ba vấn đề lớn này đều được mong mỏi bấy lâu nay, đặc biệt là tháo gỡ thể chế. Nói một cách đơn giản, việc tháo gỡ thể chế là việc tháo gỡ những điểm nghẽn về quy định, quy tắc, chế định, cơ chế… đang kìm hãm dòng chảy KH&CN và đổi mới sáng tạo, đồng thời tạo ra những cơ chế mới để thúc đẩy một cách thực chất các hoạt động này.

Cả một thập niên qua, điểm nghẽn thể chế tồn tại như một lực cản cho mọi hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo. Trên con đường tạo ra tri thức mới đến việc phát triển các tri thức mới ấy thành công nghệ, giải pháp có tiềm năng ứng dụng trong thế giới thật và chuyển giao nó từ phòng thí nghiệm cho doanh nghiệp đều gặp vướng mắc bởi rất nhiều thông tư, nghị định, văn bản hướng dẫn quá chặt chẽ, hoặc thậm chí đi ngược với bản chất của hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo. Ông Nguyễn Phú Bình, Ban chủ nhiệm Chương trình KC 12 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học”, trong một phiên họp vào cuối năm 2023, đã thử điểm qua một số vướng mắc như vậy “Năm 2015, khi Bộ KH&CN và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 27 hướng dẫn khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước, các nhà khoa học rất vui vẻ vì cho rằng sẽ tháo gỡ nhiều vấn đề gặp phải trong thực hiện đề tài. Tuy nhiên trên thực tế, thông tư đó không thực hiện được [do không tương thích với những quy định hiện hành khác]. Trong nhiều cuộc trao đổi, giám đốc các sở KH&CN chia sẻ ‘các cơ quan đề nghị vấn đề gì được quy định trong Luật Quản lý thuế thì làm, cái khác thì tôi chịu. Sở Tài chính cũng bảo chỉ được làm theo Luật Kiểm toán, các anh thông cảm’”. Tương tự như vậy, rất nhiều vướng mắc “lẩn quẩn” đến từ Luật quản lý tài sản công, Luật ngân sách, Luật Kiểm toán, và cả Luật KH&CN, khiến các nhà khoa học không thể thực hiện được Nghị định 70/2018/NĐ-CP khi chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu là sản phẩm của đề tài sử dụng ngân sách nhà nước.

Nhiều ý tưởng tiến bộ đã được đưa vào Luật KH&CN nhưng không thể được triển khai trọn vẹn như mong muốn cũng bởi điểm nghẽn thể chế. Ai cũng biết rằng nếu có khuyến khích đúng mức những người làm khoa học, đầu tư cho họ một thì họ có thể đem lại lợi ích cho đất nước gấp nhiều lần nhưng rất ít các quy định về ưu đãi nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng có thể được thực hiện được. Lý do bởi “mỗi khi đề cập đến ưu đãi thì chúng ta không thể nào vượt qua Luật Viên chức, mặc dù cả hai đều là luật được Quốc hội thông qua”, một nhà quản lý KH&CN kỳ cựu cho biết.

Nhà khoa học chịu nhiều thiệt thòi không chỉ ở việc không nhận được ưu đãi mà còn trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu hoặc tự lập doanh nghiệp spinoff. Khi nghiên cứu ra công nghệ mới, đáng lẽ họ có quyền được lập doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm từ công nghệ mình làm ra. Tuy nhiên, “Luật Viên chức quy định là nhà khoa học không có quyền lập doanh nghiệp, trong khi nếu nhà khoa học là viên chức, công chức trong các tổ chức KH&CN công lập mà có ý tưởng lập thành doanh nghiệp thì quá tốt. Bởi lẽ doanh nghiệp KH&CN có giá trị gia tăng rất cao như chúng ta đã thấy với các doanh nghiệp của các nhà khoa học sở hữu công nghệ sản xuất vaccine mới hoặc các loại thuốc mới như vaccine COVID -19 của Mỹ”, nhà quản lý khoa học phân tích về hiệu quả thu được của một quốc gia, khi nền tảng pháp lý hỗ trợ nhà khoa học kinh doanh trên chính sản phẩm chất xám của mình.

Đó cũng là lý do mà trong phiên họp thứ nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ KH&CN, các bộ, ngành khẩn trương rà soát các luật liên quan, tổng hợp, đề xuất Quốc hội theo hình thức “một luật sửa nhiều luật” tại kỳ họp sắp tới, nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, với quan điểm thể chế là động lực, nguồn lực, truyền cảm hứng phát triển. Theo giải thích của Bộ Tư pháp, khi áp dụng, kỹ thuật lập pháp “một luật sửa nhiều luật” (Omnibus Law) sẽ góp phần khắc phục tình trạng mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật và các quan hệ xã hội. Trong trường hợp ban hành luật mới mà có mâu thuẫn với các luật khác đã được ban hành trước đó thì luật đã được ban hành sẽ được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Việc áp dụng “một luật sửa nhiều luật” sẽ đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong trường hợp cần sửa đổi, bổ sung nhiều luật mà không làm tốn nhiều thời gian chờ đợi thảo luận, phê chuẩn. Do đó, đây là hy vọng cho ngành KH&CN, khi Luật KH&CN, đổi mới sáng tạo được đệ trình lên Quốc hội.

Đẩy mạnh nguồn lực và cải cách hành chính

Bên cạnh yêu cầu tháo gỡ về thể chế, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn nêu thêm một nhiệm vụ quan trọng khác là tiếp tục rà soát, đầu tư hạ tầng, bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách năm 2025 cho KH&CN. Đây cũng là tin vui với các nhà khoa học bởi từ nhiều năm nay, không phải năm nào, lượng chi ngân sách cho KH&CN đạt được con số 2% như quy định. Điều này được phản ánh rõ rệt qua lượng kinh phí những năm gần đây cho KH&CN, như Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nội dung của lĩnh vực KH&CN vào tháng 6/2023, về bố trí ngân sách để chi cho KH&CN: trong năm 2017 ngân sách đã chi 1.390 tỷ đồng cho KH&CN, chiếm tỷ lệ 1,18% so với tổng chi ngân sách; năm 2022, tỷ lệ chi là 1,01%; năm 2023, con số chi ngân sách cho KH&CN là 2.076 tỷ đồng, như vậy, tổng chi ngân sách cho KH&CN chiếm 0,82%.

 

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng và trình ban hành Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược, bao gồm phát triển hệ thống các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, tập trung cho công nghệ chiến lược; xây dựng Đề án hình thành các doanh nghiệp công nghệ chiến lược quy mô lớn trong nước để phát triển hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số, công nghệ chiến lược, an toàn an ninh mạng; Xây dựng Đề án hình thành các doanh nghiệp công nghệ chiến lược quy mô lớn trong nước để phát triển hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số, công nghệ chiến lược, an toàn an ninh mạng; Xây dựng, trình Chính phủ thành lập Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược, xây dựng Chương trình phát triển Chính phủ số và triển khai Chính phủ không giấy tờ và thực hiện chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử dựa trên dữ liệu.

Với ngân sách hạn chế, lượng kinh phí đầu vào hạn hẹp, các thủ tục chi rườm rà, có thể hình dung các nhà khoa học trong nước gặp nhiều khó khăn ra sao về nguồn lực, từ những người làm nghiên cứu cơ bản thuần túy tới những người phát triển công nghệ, tối ưu công nghệ. Để có được những công nghệ mới, công nghệ đột phá, các nhà khoa học cần thời gian và kinh phí tài trợ tương xứng. Tại phiên họp các hội đồng Khoa học chuyên ngành Quỹ NAFOSTED, giáo sư Đinh Dũng (ĐHQGHN), một trong ba nhà khoa học giành giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2015, từng chia sẻ “Bây giờ nếu thúc giục làm khoa học phải có ứng dụng ngay trong thực tế thì có thể các nhà khoa học chúng ta ủng hộ nhưng trong thâm tâm, chúng ta hiểu một điều là cực kỳ khó. Bởi để có được một ứng dụng trong công nghệ thông tin như của Microsoft, hay nhiều hãng khác, họ đã đổ bao nhiêu tiền vào đó, nếu so sánh thì người ta đổ cả núi cát thì chúng ta mới chỉ là một hạt cát”.

Thực tế đã chứng minh điều đó không hẳn là lối nói thậm xưng. TS. Nguyễn Trung Dân (Trung tâm R&D Corning, New York) cho biết, theo thông tin từ công ty tình báo thị trường uy tín SemiAnalysis thì quĩ tài chính High-Flyer, công ty đứng sau DeepSeek, nơi tạo ra mô hình AI DeepSeek-R1 gây địa chấn toàn cầu vào tháng 2/2025, đã chịu chi phí 1,6 tỷ USD cho phần cứng với hơn 50.000 chip GPU Nvidia Hopper (các công ty phát triển những thuật toán AI với mô hình ngôn ngữ lớn như OpenAI trước đó cũng đều phải đầu tư vào phần cứng cỡ tỉ USD). SemiAnalysis cũng cho rằng, tuyên bố của DeepSeek về huấn luyện mô hình AI chỉ với 6 triệu USD phần lớn là cường điệu bởi con số này chỉ đề cập đến một phần trong tổng chi phí huấn luyện mà không tính đến chi phí nghiên cứu, cải tiến mô hình, xử lý dữ liệu hoặc chi phí cơ sở hạ tầng tổng thể. Trên thực tế, DeepSeek đã chi hơn 500 triệu USD cho việc phát triển AI kể từ khi thành lập. Không có lộ trình nào cho phát triển công nghệ đột phá với giá rẻ.

Do đó, nếu vấn đề kinh phí đầu tư cho KH&CN, đổi mới sáng tạo được tháo gỡ, đi kèm với việc tăng cường đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng nghiên cứu, thì sẽ hứa hẹn dẫn đến nhiều đổi mới khác trong tương lai, từ nghiên cứu khoa học đến ứng dụng, phát triển công nghệ, đồng thời đem lại những cơ hội tốt để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước ở rất nhiều lĩnh vực ngành nghề. “Các dự án nghiên cứu đều góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy của các trường đại học, năng lực của các viện nghiên cứu, và điều ấy cũng không kém phần quan trọng so với việc tạo ra những sản phẩm nghiên cứu mới”, giáo sư Đinh Dũng nhận xét. “Tôi nghĩ chúng ta cần hiểu một cách sâu sắc hơn về phát triển khoa học cơ bản ở Việt Nam, đó là nâng cao tri thức về KH&CN của cả đất nước và góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở các trường viện”.

Khi làm được điều này, ngành KH&CN sẽ hoàn thành được nhiệm vụ thứ ba mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu, đó là đa dạng hóa hình thức đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình hiện nay.

Trong buổi làm việc đầu tiên của Ban chỉ đạo, bên cạnh việc nêu ba nhóm nhiệm vụ quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính còn nhấn mạnh ở một điểm: song song với đó, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách hành chính. “Nếu một rừng thủ tục thì không làm được”, Thủ tướng nêu rõ. Có lẽ, hơn ai hết, các nhà khoa học nếm trải điều này, khi việc đáp ứng các yêu cầu về thủ tục giấy tờ giải ngân và quyết toán. “Vấn đề hồ sơ thủ tục quá rắc rối, làm tiêu tán cả nhiệt tình của các nhà khoa học. Thủ tướng từng trao đổi nhiều lần là làm sao để hồ sơ quyết toán đề tài thì hệ thống chứng từ phải ít hơn kết quả nghiên cứu, chứ giờ chứng từ hồ sơ dày hàng gang tay nhưng kết quả nghiên cứu chỉ mấy chục trang thôi. Đó còn chưa kể để tuân theo các thủ tục để lấy được kinh phí, thanh quyết toán, hóa đơn chứng từ vô cùng phức tạp, bởi với những khoản chi mua sắm vật tư, hóa chất trị giá từ 100 triệu trở lên đều phải đấu thầu… Tất cả những điều đó khiến nhà khoa học thực hiện các quy định để giải ngân cho đúng kỳ hạn chứ không còn nhiều thời gian để làm khoa học thật”, một nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam chia sẻ vào năm 2023.

Với những chỉ đạo từ Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, cộng đồng khoa học Việt Nam đang chờ đợi một sự đổi mới trong cơ chế quản lý để có thể toàn tâm toàn ý tạo ra những kết quả mới cũng như các đột phá KH&CN, mà cái đích cuối cùng là để KH&CN phục vụ xã hội và đất nước.

Tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ về KH&CN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia tại Nghị quyết số 57/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 22/12/2024 và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ ngày 09/01/ 2025 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57/NQ-TW, và Thông báo số 56/TB-VPCP ngày 23/02/2025.
 

Về nhóm nhiệm vụ về thể chế, ông đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện:
 

- Sửa đổi một số quy định trong Luật Ngân sách nhà nước để có quy định riêng cho phù hợp với đặc thù và thông lệ quốc tế trong lập dự toán, quyết toán, tài trợ và sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.
- Xây dựng Đề án cơ chế thí điểm để doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ mới có sự giám sát của Nhà nước, hoàn thiện chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trường hợp thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới mà có thiệt hại về kinh tế do nguyên nhân khách quan
 

Về nhóm nhiệm vụ về đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KH&CN:
 

- Xây dựng Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược; Xây dựng Danh mục Công nghệ chiến lược.
 

- Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược; Ban hành chính sách hợp tác công tư để phát triển công nghệ chiến lược, hạ tầng và dịch vụ số, dữ liệu, cùng đào tạo nhân lực công nghệ số.
 

- Xây dựng, đưa vào khai thác sử dụng 112 cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, đồng bộ dữ liệu về Trung tâm dữ liệu quốc gia để xây dựng Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
 

- Xây dựng Đề án phát triển, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao, nhất là cán bộ chuyên gia đầu ngành phục vụ phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số quốc gia để triển khai Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Bài đăng KH&PT số 1336 (số 12/2025)

Thanh Nhàn

(Nguồn https://khoahocphattrien.vn/)