Lai tạo và đánh giá tổ hợp lai dưa leo (Cucumis sativus L.) đơn tính cái thích nghi với canh tác trong nhà màng tại TP.HCM
17/02/2025 108
Là nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM chủ trì thực hiện, ThS. Đoàn Hữu Cường chủ nhiệm, được nghiệm thu năm 2024.
Nhiệm vụ thuộc Chương trình Phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030; được thực hiện nhằm kế thừa kết quả của nhiệm vụ "Nghiên cứu tạo dòng thuần giống dưa leo đơn tính cái phục vụ sản xuất giống F1", tạo giống dưa leo đơn tính cái trinh sinh có khả năng trồng trong nhà màng tại khu vực TP.HCM, giống ít bị bệnh giả sương mai và có năng suất tương đương với giống dưa leo đơn tính cái hiện bán trên thị trường (SH).
Dưa leo đơn tính cái trồng trong nhà màng không cần thụ phấn mà vẫn đậu quả, giá bán dưa leo đơn tính cái trồng trong nhà màng cao hơn dưa leo trồng ở đồng ruộng từ 10-20%, năng suất cũng cao hơn (từ 15-20%). Tuy nhiên, hiện nay hầu hết diện tích sản xuất dưa leo đều sử dụng giống lai F1 nhập nội với giá thành hạt giống khá cao. Hơn nữa, vì giống nhập từ nước ngoài nên người sản xuất không chủ động được nguồn hạt giống. Vì vậy, việc nghiên cứu chọn tạo giống dưa leo đơn tính cái có năng suất cao, ổn định, phù hợp với điều kiện canh tác trong nhà màng sẽ góp phần chủ động nguồn giống, giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế.
Nhiệm vụ "Nghiên cứ tạo dòng thuần giống dưa leo đơn tính cái phục vụ sản xuất giống F1" đã chọn được một số dòng dưa leo đơn tính cái thuần có triển vọng bằng phương pháp chọn giống SSD (Single Seed Descent) làm vật liệu khởi đầu cho công tác lai tạo giống mới. Trong nhiệm vụ này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành các nội dung tuyển chọn dòng dưa leo đơn tính cái trinh sinh thuần làm vật liệu khởi đầu cho lai tạo giống; lai tạo và đánh giá các tổ hợp dưa leo lai; khảo nghiệm một số tổ hợp dưa leo lai đơn tính cái trinh sinh có triển vọng tại TP.HCM, Đồng Nai và An Giang.
Quả của các tổ hợp lai và giống đối chứng khảo nghiệm vụ Đông Xuân 2023-2024
Kết quả, đã tạo được 8 dòng dưa leo đơn tính cái trinh sinh có kiểu hình khác nhau, sinh trưởng phát triển tốt (có số quả từ 12,9 – 39,2 quả/cây, dài quả từ 8,4 – 22,1 cm, khối lượng quả từ 34,8 – 110,3 g, năng suất từ 31,15 – 36,39 tấn/ha). Các dòng dưa leo đơn tính cái trinh sinh vừa có khả năng phối hợp (KNPH) chung vừa có KNPH riêng tốt là DL01, DL03 và DL05. Khảo sát đánh giá các tổ hợp dưa leo lai cho thấy, 28 tổ hợp lai (THL) có ngày bắt đầu thu hoạch từ 30 - 33,6 ngày, quả dài từ 10,1 - 20,1 cm, khối lượng quả từ 74,2 - 135,1 gr, năng suất thực thu từ 34,29 - 51,33 tấn/ha. Trong đó, 4 THL triển vọng là THL10 (có năng suất cao hơn giống đối chứng), THL1, THL2 và THL26 (có năng suất tương đương giống đối chứng). Các THL này có sự đồng nhất về màu sắc và hình thái quả với giống đối chứng, ít bị bệnh hơn giống đối chứng.
Qua 2 vụ khảo nghiệm cho thấy, THL10 và THL26 có triển vọng nhất để chọn làm giống mới và có thể thương mại ra thị trường. Trong đó, THL10 cho năng suất vượt trội so với giống đối chứng (từ 7-7,5%) tùy vùng sinh thái khác nhau; THL26 có năng suất tương đương với giống đối chứng, quả ngắn thích hợp cho dưa baby ăn tươi. Theo nhóm nghiên cứu, giá thành sản xuất hạt giống dưa leo thấp hơn so với hạt giống nhập nội nên nhiệm vụ này mang lại hiệu quả cao. Dự kiến chi phí sản xuất khoảng 500 - 600 đồng/hạt (trong khi giống nhập nội từ 2.000 - 3.000 đồng/hạt). Kết quả của đề tài cung cấp thêm giống cây rau màu mới cho khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, góp phần tăng hiệu quả kinh tế và giá trị sản phẩm, tăng năng lực cho nông dân, đa dạng nguồn giống dưa leo tại Việt Nam, đáp ứng theo nhu cầu thị trường.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)