Eleanor Anne Ormerod: Nhà côn trùng học nông nghiệp

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

17/02/2025 52


Một trong những nhà côn trùng học nông nghiệp có ảnh hưởng nhất trong lịch sử là bà Eleanor Anne Ormerod. Tuy không được đào tạo bài bản, song tâm trí mạnh mẽ và lòng hiếu kỳ đã thôi thúc Ormerod tự học thành tài và cuối cùng trở thành "Người bảo hộ nông nghiệp Anh".

Eleanorra đời vào năm 1828, trong một gia đình giàu có ở Anh. Bà không tới trường mà ở nhà theo mẹ học những môn được cho là gia tăng khả năng kết hôn: ngôn ngữ, hội họa và âm nhạc.

Giống như hầu hết các nhà côn trùng học hiện đại, Eleanor hứng thú với côn trùng từ hồi còn bé. Trong cuốn tự truyện, bà kể mình từng dành hàng tiếng đồng hồ quan sát những con bọ nước bơi trong chiếc cốc nhỏ. Khi một con bọ bị thương, ngay lập tức những con bọ khác sẽ ăn thịt nó luôn.

Choáng váng, cô bé Eleanor hớt hải chạy đi tìm bố và kể lại cho ông những gì mình vừa chứng kiến, nhưng bị ông gạt đi. Tuy bố mẹ cho phép bà quan tâm tới khoa học, nhưng họ không quá ủng hộ sở thích ấy.

Kiếm được tấm chồng có quyền lực và tài sản là mục tiêu chính của các thiếu nữ giàu có ở thời Eleanor. Tuy nhiên, cha bà là người sống ẩn dật và không thích giao tế; bởi vậy, gia đình bà không có các mối quan hệ xã hội cần thiết để sắp xếp hôn nhân cho con cái. Cả ba chị em nhà Ormerod đều không ai lấy chồng.

Các cô con gái nhà Ormerod khá may mắn khi người cha để lại cho họ đủ tài sản để sống thoải mái cho tới cuối đời. Là phụ nữ không kết hôn giàu có đem lại cho họ sự tự do để theo đuổi những điều mình quan tâm, thoát khỏi các ràng buộc từ trách nhiệm gia đình, cũng như những đòi hỏi từ người chồng hay người cha. Eleanor đã tận dụng cơ hội này để thỏa mãn trí tò mò khoa học của mình.

Lấy thân thử nghiệm

Bài báo khoa học đầu tiên của Omerod là về khả năng tiết chất độc của sa giông Triton. Sau khi thử hiệu quả của độc tố trên một con mèo, bà quyết định lấy thân thử nghiệm bằng cách cho đuôi con sa giông sống vào miệng. Những tác động khó chịu – gồm sùi bọt mép, co giật miệng và đau đầu – đều được Omerod mô tả kỹ lưỡng trong bài báo của mình.

Vào năm 1868, bà có bước đột phá đầu tiên trong ngành côn trùng học nông nghiệp, khi Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia Anh yêu cầu bà giúp lập ra bộ sưu tập côn trùng có ích và có hại cho nền nông nghiệp nước này. Omerod nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi và dành cả thập niên tiếp theo để thu thập và xác định các loài côn trùng.

 

Nhà côn trùng học nông nghiệp Eleanor Anne Ormerod (1828-1901).

Nhà côn trùng học nông nghiệp Eleanor Anne Ormerod (1828-1901).


Trong lúc thu thập, bà đã phát triển các kĩ năng chuyên môn để xác định côn trùng, hành vi và sinh thái học của chúng. Đồng thời, các cuộc trò chuyện với người nông dân khiến Ormerod biết rằng họ gặp rất nhiều vấn đề với các loại côn trùng có hại. Nhờ thế, bà nhận ra người làm nông rất cần lời khuyên có căn cứ khoa học để bảo vệ mùa màng.

Tuy nhiên, đa phần các nhà côn trùng học chuyên nghiệp thời đó lại tập trung vào việc thu thập và phân loại côn trùng, chứ không mấy quan tâm tới việc áp dụng hiểu biết vào lĩnh vực nông nghiệp. Ormerod quyết định tự mình đảm nhận vai trò “nhà côn trùng học nông nghiệp”.

Năm 1877, Ormerod tự xuất bản báo cáo đầu tiên trong loạt 22 bài thường niên, cung cấp hướng dẫn để kiểm soát côn trùng gây hại ở nhiều loại cây trồng. Từng loài côn trùng có hại đều được mô tả cụ thể từ đặc điểm ngoại hình cho tới hành vi và sinh thái, với ngôn từ dễ hiểu cho người nông dân.

Huy động sức mạnh quần chúng

Ormerod nhanh chóng nhận ra nhiệm vụ này sẽ cần số lượng thông tin khổng lồ mà mình bà không thể cáng đáng. Vì thế, Ormerod nghĩ tới việc nhờ người nông dân làm nguồn cung cấp dữ liệu. Trên khắp vùng quê, bà phổ biến bảng câu hỏi cho người dân về các côn trùng có hại họ quan sát được cùng biện pháp kiểm soát chúng mà họ đã thử.

Khi nào có điều kiện, Ormerod tiến hành thí nghiệm hoặc thực hiện quan sát để xác nhận thông tin nhận được từ mạng lưới nông dân. Mỗi một bản báo cáo đều kết hợp công trình của bà với thông tin từ nông dân và người lao động. Những đóng góp này đã nâng cao danh tiếng của bà trong giới khoa học.

Ormerod được mời tới giảng dạy tại nhiều đại học và tổ chức trên khắp nước Anh. Thậm chí, bà còn dùng chuyên môn của mình để giải quyết vấn đề sâu bệnh ở những nơi xa xôi như New Zealand, Tây Ấn và Nam Phi.

Để tưởng thưởng cống hiến của bà, Đại học Edinburghđã trao bằng luật danh dự cho Ormerod vào năm 1900 – đây là người phụ nữ đầu tiên được nhận vinh dự này trong lịch sử ngôi trường. Bà nổi tiếng tới nỗi nữ văn sĩ lừng danh Virginia Woolf sau này đã sáng tác một câu chuyện dựa trên cuộc đời của bà với tiêu đề Miss Ormerod.

Những đóng góp của Ormerod đối với ngành côn trùng học nông nghiệp là không thể phủ nhận, song bà cũng gây nhiều tranh cãi do nhiệt liệt ủng hộ một loại thuốc trừ sâu nguy hiểm có tên Paris Green (Xanh lá Paris). Đây là một hợp chất có nguồn gốc từ asen, ban đầu được dùng làm thuốc màu.

Đáng tiếc, Paris Green là chất trừ sâu “phổ rộng”, tiêu diệt được hầu hết các loại côn trùng, bao gồm cả loài thụ phấn và loài săn mồi. Thiên địch biến mất tạo điều kiện cho các loài có hại thả cửa sinh sôi nảy nở. Tình trạng này tạo nên vòng luẩn quẩn phụ thuộc vào thuốc trừ sâu hóa học.

Không chỉ vậy, Paris Green cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Lý do Ormerod đánh giá thấp sự nguy hiểm của Paris Green phần nào có thể vì asen là thành phần phổ biến trong nhiều sản phẩm, bao gồm cả thuốc men.

Bây giờ nhìn lại, chúng ta thấy nỗ lực quảng bá Paris Green của Ormerod thật ngây thơ. Nhưng cuối những năm 1800 là thời điểm mọi người vô cùng lạc quan về khả năng giải quyết các vấn đề lớn bằng sức mạnh của khoa học. Paris Green và các loại thuốc trừ sâu khác đem lại cho người nông dân một biện pháp giá rẻ và hữu hiệu để bảo vệ mùa màng. Trên thực tế, chưa đầy 50 năm sau khi Ormerod qua đời, nhà hóa học Paul Muller đoạt giải Nobel với khám phá gây nhiều tác hại khét tiếng là thuốc trừ sâu DDT. Từ góc độ này, ta dễ thông cảm hơn cho thái độ lạc quan của Ormerod về Paris Green.

Tuy nhiên, thuốc trừ sâu chỉ là một trong những khuyến nghị kiểm soát côn trùng có hại trong báo cáo của Ormerod. Bà cũng cung cấp nhiều biện pháp khác như dùng lưới ngăn chặn và cách loại bỏ sâu bệnh thủ công. Cùng nhiều kỹ thuật thân thiện với môi trường khác, các phương pháp từ loạt báo cáo giờ trở thành cốt lõi trong chiến lược “quản lý dịch hại tổng hợp”, tiêu chuẩn vàng để kiểm soát sâu bệnh hiệu quả và bền vững.

Eleanor Ormerod đã cống hiến cho mục tiêu bảo vệ nông nghiệp vào thời điểm ít nhà côn trùng học chuyên nghiệp tham gia. Bà ghi nhận rằng tiến bộ trong ngành côn trùng học nông nghiệp chỉ có thể xảy ra khi các nhà chuyên môn hợp tác chặt chẽ với nông dân. Bà tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy cho tới khi trút hơi thở cuối cùng vào năm 1901. Trong bao nhiêu năm phụng sự, bà không hề được chi trả đồng nào.


Nguồn:theconversation

Bài đăng KHPT số 1330 (số 6/2025)

Anh Thơ dịch