Hào hứng và thận trọng với trí tuệ nhân tạo mới

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

17/02/2025 96


.

Ảnh: Shutterstock

Trong những ngày Tết Nguyên đán, Deep Seek, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI) từ Trung Quốc xuất hiện và được xem là một quả “bom tấn” làm lung lay sự thống trị bấy lâu nay của những tên tuổi từ nước Mỹ như OpenAI (ChatGPT) hay Google (Gemini). Cùng với Deep Seek, là tuyên bố của ông Trương Gia Bình, chủ tịch tập đoàn công nghệ FPT - vốn đã luôn muốn chứng minh năng lực về trí tuệ nhân tạo của Việt Nam “không kém gì ai trên thế giới” lại muốn dạy AI từ học sinh lớp một trở đi. Thật sự là những việc “xôn xao cộng đồng mạng”.

Để thêm phần… rộn ràng thông tin công nghệ thì Grok - ứng dụng trí tuệ nhân tạo của “cha đẻ” Elon Musk cũng tham gia thị trường, trước mắt là một ứng dụng đính kèm với mạng xã hội X của ông. Elon Musk còn gây bão với màn chào mua lại OpenAI với giá tỷ đô la còn nhà đồng sáng lập ChatGPT đối đáp sâu cay bằng việc nói để anh mua lại mạng xã hội X. Giới quan sát công nghệ vừa… mệt vì phải đuổi theo các loại thông tin này, theo nghĩa là phải trải nghiệm thử sản phẩm, tạo ra nhiều bản so sánh khác nhau lẫn việc vắt óc ra mà đoán là chuyện gì đang thực sự xảy ra phía sau những cuộc truyền thông rầm rộ này. Một số khác thì chọn giải pháp… ngồi yên chờ thời, xem chừng nào những cơn “sóng thần công nghệ” này dịu bớt rồi mới biết mình nên ứng xử hay làm gì với nó.

Là một thầy giáo dạy công nghệ, tôi phải đối diện với những câu hỏi đầy lo âu của phụ huynh: “Làm gì bây giờ, bài tập nào con tôi cũng đưa trí tuệ nhân tạo giải hết chứ không tự suy nghĩ nữa”; “Lớp 1 đúng là nên bắt đầu học AI rồi chứ còn chờ đến bao giờ mới có thể tiếp cận thì muộn màng so với thế giới hết”… Sự hào hứng hay lo lắng quá độ này, quả thực, đang làm khó các nhà sư phạm lẫn nhà quản lý và cả… người dùng.

 

Lý do hoang mang này được lý giải bởi kết quả một cuộc thảo luận kéo dài 4 giờ của mạng lưới những người thực hiện dự án “AI Opportunity Fund” - quỹ cơ hội trí tuệ nhân tạo của châu Á do Google và Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB thực hiện. Kết luận quan trọng nhất, là chúng ta cần trang bị kỹ năng kỹ thuật số (digital skills) của người dân. Làm thế nào để sử dụng hiệu quả cái điện thoại thông minh của mình, làm thế nào để giao tiếp trực tuyến được thông suốt, hay quan trọng hơn, làm thế nào để không bị lừa đảo trên mạng (vì danh sách những nạn nhân bị lừa đảo qua internet ở khu vực châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn luôn nằm trong nhóm đông đúc nhất).

Tôi đi trao đổi với các giáo viên và phụ huynh về mặt trái của sử dụng trí tuệ nhân tạo: bị phụ thuộc quá nhiều dẫn đến đánh mất nhiều kỹ năng cuộc sống quan trọng. Bản thân tôi cũng tự nhận thấy sự “xuống cấp” trình độ tiếng Anh của mình khi mà lâu nay toàn nhờ Gemini viết lại những tài liệu bằng tiếng Anh, đến khi đứng giảng bài trên bảng thì siêu bối rối khi không nhớ một từ hơi phức tạp viết như thế nào. Vậy làm sao cản được học sinh nhỏ tuổi chưa được rèn giũa về tư duy phản biện, chưa phát triển đầy đủ hệ thống não bộ để đưa ra các quyết định đâu là thông tin đúng hay những kết quả sai lệch do AI tạo ra?

Tương tự như vậy, chỉ sau vài ngày hào hứng, hàng loạt người dùng bắt đầu “chơi khăm” Deep Seek bằng việc hỏi những câu liên quan đến cơ chế kiểm duyệt thông tin, thì dù thông minh đến mức nào đi nữa, Deep Seek cũng trả lời vòng vo và cuối cùng thông báo là không thể có lời đáp cho việc truy cập dữ liệu của mình ra sao. Deep Seek to bự muốn mang ra cạnh tranh vị trí số 1 thế giới còn lúng túng như vậy, nói gì đến khả năng làm mất dữ liệu cá nhân người dùng của những ứng dụng AI nhỏ lẻ đang mọc lên như nấm sau mưa đủ loại thượng vàng hạ cám?

 

Tôi viết một lá thư cho TeachAI.org, một liên minh về giáo dục AI toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và nền tảng Code.org chủ trì để hỏi về việc này. Gợi ý của họ, là cần thận trọng và nghiên cứu kỹ hơn các gợi ý về hành lang quy định chính sách mà thế giới đang theo đuổi về ứng xử phù hợp với AI trong giáo dục, đặc biệt là độ tuổi.

Google giáo dục thì nói thẳng luôn: học sinh từ 13 tuổi trở lên mới được đụng vô Gemini, còn trước đó các con cần học một chút về máy học, về an toàn an ninh trên internet và mạng xã hội. Và họ hào phóng tặng luôn hai chương trình: Teachable Machine (máy học như thế nào) và “Internet phiêu lưu ký” để giáo viên nào cũng có thể tự học và tự cho học sinh mình tiếp cận AI một cách cẩn trọng và tuân thủ các nguyên tắc của giáo dục.
Bài đăng KH&PT số 1331 (số 7/2025)

Bung Trần

Nguồn:https://khoahocphattrien.vn/