Khi con chip lên ngôi
17/02/2025 103
Trong cuốn sách mới, PGS.TS Nguyễn Trung Dân đã làm rõ những khái niệm xoay quanh ngành công nghiệp bán dẫn liên tục được nhắc đến thời gian gần đây nhưng chưa được hiểu đúng.
Bên cạnh đó, ông cung cấp những góc nhìn sát sao về vị trí, tiềm lực của Việt Nam trước cơ hội chuyển mình "nghìn năm có một" trong ngành công nghệ được đánh giá là quan trọng bậc nhất hiện nay.
PGS.TS. Nguyễn Trung Dân tại buổi tọa đàm ra mắt sách Khi con chip lên ngôi, TP. Hồ Chí Minh, 11/1/2025. Nguồn: NN
Là người có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng trong ngành bán dẫn, hiện là nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Corning (New York, Mỹ) cũng như từng chủ trì một số đề tài nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Mỹ, PGS.TS. Nguyễn Trung Dân có cái nhìn bao quát và toàn diện về ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Mặt khác, do thường xuyên có mặt tại quê nhà, ông có những đánh giá thức thời, hợp lý về vị trí và vai trò của ngành bán dẫn Việt Nam.
Ông cho biết, bắt đầu từ mối quan tâm lớn của độc giả dành cho những bài báo dài kỳ của ông trên một tạp chí cũng như “đơn đặt hàng” của một công ty sách, Khi con chip lên ngôi đã ra đời.
Lần ngược quá khứ, cuốn sách dẫn người đọc vào lịch sử của ngành bán dẫn, với vai trò cực kỳ quan trọng của Bell Labs - phòng thí nghiệm đã cho ra đời hàng nghìn bằng sáng chế. Từ phát minh ra điện thoại của Alexander Graham Bells cùng nhu cầu tăng khoảng cách kết nối giữa người gọi và người nghe mà ngành nghiên cứu chất bán dẫn đã hình thành, với mục tiêu chế tạo bộ khuếch đại điện tử bằng các chất bán dẫn thay thế hệ thống cũ dùng bóng đèn chân không. Nhưng ý tưởng mới ấy không thể trở thành hiện thực nếu công nghệ và kỹ thuật radar không phát triển vượt bậc trong chiến tranh Thế giới thứ hai, dẫn đến sự ra đời của hai chất bán dẫn germanium và silicon. Từ đây mà các transistor – đơn vị cơ bản nhất của chip – xuất hiện.
Bằng khả năng kể chuyện cuốn hút và các tóm tắt mạch lạc, tác giả Nguyễn Trung Dân đã giới thiệu với độc giả những “cha đẻ” của transistor, từ William Shockley - người thiết kế transistor kiểu junction (kết nối) đến bộ đôi John Bardeen và Walter Houser Brattain - những người tìm ra cơ chế tiếp xúc điểm (point contact). Đồng thời, ông làm rõ tình hình ở phía bên kia đại dương để khẳng định rằng người Pháp - mà cụ thể là hai nhà khoa học Herbert Mataré và Heinrich Welker - cũng gần như cùng lúc tìm ra được cơ chế point contact này. Thú vị hơn, ông chỉ ra đâu là lý do khiến những người châu Âu phát hiện ra cơ chế hoạt động của transistor gần như cùng lúc với Bardeen, Brattain nhưng rồi cuối cùng lại bỏ lỡ nó.
Tác phẩm “Khi con chip lên ngôi” ra mắt vào tháng 1/2025. Ảnh: ĐTA
Ông còn cho thấy người Nhật đã lên kịp chuyến tàu khoa học - công nghệ ra sao khi nhanh chóng mua bản quyền các transistor từ Bell Labs rồi cho ra mắt các thiết bị điện tử dân dụng, từ đó tạo ra “sự thần kỳ của kinh tế Nhật Bản” sau Thế chiến thứ hai; phân tích cách mà Hàn Quốc và Đài Loan gây dựng ngành công nghiệp chip từ con số 0, từ đó thay đổi vận mệnh cả dân tộc… Qua tình hình đầu tư hiện tại, ông khẳng định chỉ cần chiếm một tỉ trọng nhỏ trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu, thì cơ hội để Việt Nam “cất cánh” là không phải tranh cãi.
Những phân tích của ông không chỉ giúp độc giả hiểu hơn về công nghệ bán dẫn nói chung, mà còn thấy rõ cơ hội của ngành bán dẫn Việt Nam trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, ông lưu ý, Việt Nam không nên quá lạc quan vì vẫn còn rất nhiều thách thức phải vượt qua, trước khi trở thành một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, ông làm sáng tỏ không ít hiểu lầm phổ biến hiện nay, khẳng định việc một quốc gia muốn tự sản xuất chip là điều không tưởng khi ngành này luôn cần sự hợp tác quốc tế, hay chỉ ra những chuyến thăm của lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn thời gian gần đây chưa chắc mở ra cơ hội.
Ông dẫn chứng, dẫu Jensen Huang có nhiều hứa hẹn khi đến Việt Nam vào tháng 10 năm ngoái, nhưng con số 200 triệu USD mà vị này dự định hợp tác với một doanh nghiệp trong nước để phát triển chip AI vẫn khá khiêm tốn so với một công ty có trị giá trên 3.000 tỷ USD. Trường hợp Tim Cook cũng tương tự, dù người đứng đầu Apple đánh giá tích cực về nước ta nhưng cuối cùng công ty này lại chọn Indonesia để mở rộng sản xuất… Ngược về lịch sử, tác giả cho thấy Malaysia tuy nhận được nguồn đầu tư của các ông lớn như Intel vào cuối thập niên 1990, nhưng việc không cải tiến chất lượng mà chấp nhận yên vị với những khâu dễ thay thế như lắp ráp linh kiện, khiến cho ngành bán dẫn của nước này bỏ lỡ cơ hội để phát triển một cách mạnh mẽ.
Đề cập tình hình trong nước, tác giả cho biết Việt Nam có nhiều điểm mạnh như lực lượng lao động dồi dào, trẻ và năng động, mặt bằng dân trí và hệ thống giáo dục phổ thông khá tốt. Vị trí địa lý thuận tiện cho giao thương, tình hình chính trị xã hội ổn định là những ưu thế khác. 10 năm qua, việc trở thành trung tâm chuyên sản xuất các mặt hàng điện tử của nhiều công ty quốc tế cũng là điều kiện thu hút các nhà sản xuất chip bán dẫn. Trong đó cơ hội lớn nhất là mới đây, Việt Nam được chính phủ của cựu tổng thống Joe Biden ưu tiên đưa vào đạo luật chip bán dẫn với khoản hỗ trợ 500 triệu USD cho việc đào tạo nhân lực không chỉ cho ngành này mà còn một số lĩnh vực liên quan khác nhằm ngăn đà sản xuất chip của Trung Quốc.
Tuy vậy, theo ông, việc phát triển ngành bán dẫn Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn, trước hết là thiếu trầm trọng đội ngũ kỹ sư và công nhân lành nghề. Dẫn nguồn báo chí nước ngoài, ông cho biết hiện Việt Nam chỉ có từ 5 – 6 nghìn kỹ sư có chuyên môn trong các ngành liên quan đến chip bán dẫn, trong khi nhu cầu trong vòng 10 năm tới cần thêm từ 50 nghìn đến 100 nghìn kỹ sư (tr.60). Thách thức nữa là sự cạnh tranh của các quốc gia trong cùng khu vực - Malaysia, Singapore và Ấn Độ đều đang có nhiều chính sách cởi mở và hấp dẫn hơn…
Từ những nhận định nêu trên, tác giả đưa ra những kiến nghị có giá trị tham khảo cho các nhà làm luật và làm chính sách. Chẳng hạn, để bổ sung vào sự thiếu hụt nhân lực thì việc nới lỏng các quy định trong việc cấp giấy phép lao động cho kỹ sư nước ngoài rất đáng cân nhắc. Ngoài ra, việc sử dụng nguồn tài nguyên chất xám cao của người Việt sinh sống và làm việc ở nước ngoài cũng là một giải pháp quan trọng - chính nhờ làm tốt việc này, Đài Loan và Hàn Quốc đã vươn nắm giữ những vai trò quan trọng gắn với ngành sản xuất chip.
Bài đăng KH&PT số 1331 (số 7/2025)
Đoàn Tuấn An