Công nghệ tế bào gốc và tương lai của nền y học hiện đại

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

26/11/2024 255


Hàng loạt báo cáo tham luận cung cấp thông tin, kiến thức về những tiến bộ, đột phá mới trong lĩnh vực tế bào gốc, tiềm năng ứng dụng của tế bào gốc được chia sẻ tại Hội thảo “Xu hướng nghiên cứu công nghệ tế bào gốc phục vụ lĩnh vực y tế”, do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức sáng ngày 21/11.

Khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đức Tuấn (Giám đốc CESTI) chia sẻ, với những thành tựu đạt được trong thời gian qua, công nghệ tế bào gốc đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng, đồng thời tiếp tục là chủ đề thu hút các nhà khoa học nghiên cứu và ứng dụng trong điều trị bệnh. Trước xu hướng này, TP.HCM cũng đã có những chính sách đột phá nhằm thúc đẩy hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ưu tiên của Thành phố, trong đó có nghiên cứu công nghệ tế bào gốc phục vụ lĩnh vực y tế.

1SEPTUAN.png

Ông Nguyễn Đức Tuấn (Giám đốc CESTI) phát biểu tại sự kiện.

Tại sự kiện, bên cạnh bài báo cáo “Xu hướng nghiên cứu công nghệ tế bào gốc phục vụ lĩnh vực y tế trên cơ sở số liệu sáng chế quốc tế” của CESTI, các nhà nghiên cứu, chuyên gia từ các Bệnh viện, Trường Đại học, Trung tâm nghiên cứu cũng trình bày những kết quả nghiên cứu về công nghệ tế bào gốc tại Việt Nam trong thời gian qua. Qua đó kết nối, chia sẻ, thảo luận và đề xuất các hướng hợp tác, triển khai vào thực tế chữa trị.

Trao đổi tại Hội thảo, PGS.TS. Huỳnh Nghĩa, Trưởng khoa Huyết học Trẻ em 2, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM cho biết, trong vài thập kỷ qua, lĩnh vực tế bào gốc đã đạt được những thành tựu đáng kể, đặc biệt là trong việc phát triển và ứng dụng liệu pháp cấy ghép tế bào gốc tạo máu. Đây là phương pháp mang lại hy vọng mới cho nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý về máu, ung thư hay suy giảm hệ miễn dịch. Thành công này không chỉ thấy rõ sức mạnh của tế bào gốc mà còn cho thấy sự sáng tạo của cộng đồng nghiên cứu tế bào gốc ở Việt Nam và quốc tế.

BCV1.png

PGS.TS. Huỳnh Nghĩa, Trưởng khoa Huyết học Trẻ em 2, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM trình bày Những đột phá lớn trong cấy ghép tế bào gốc tạo máu và những thách thức trong tương lai khi triển khai lâm sàng.

TS. Phạm Lê Bửu Trúc, Phó Trưởng phòng Phòng Công nghệ Sinh học Động vật - Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM cho biết, xu hướng hiện nay trong nghiên cứu thực nghiệm dựa trên nền tảng tế bào nhằm hướng đến điều trị bệnh tim trên thế giới là tìm cách tạo ra các tấm tế bào nhằm vá mô tim bị tổn thương. Do đó, bà cùng các cộng sự đã tiến hành và đạt được một số các kết quả khả quan như: biệt hoá được TBG thành tế bào cơ tim; xây dựng được mô hình chuột tắc nghẽn mạch vành; thử nghiệm tiêm trực tiếp tế bào vào thành tim vùng thiếu máu; tạo được tấm tế bào SCS; tạo được tấm tế bào dựa trên liên kết quang; thử nghiệm ghép tấm tế bào SCGel trên chuột suy tim.

BCV2.png

TS. Phạm Lê Bửu Trúc, Phó Trưởng phòng Phòng Công nghệ Sinh học Động vật - Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM giới thiệu về Nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh tim.

Từ những kết quả trên, bà Trúc nhận định, có thể ứng dụng tấm Col-T trong điều kiện mổ hở, tuy nhiên, cần nghiên cứu thiết kế hệ thống Catheter để có thể mổ nội soi bằng cách đưa tấm SCS vào đến nơi mô tim tổn thương, sau đó bung tấm SCS phủ lên vùng tổn thương nhằm giảm thiểu sự xâm lấn cho bệnh nhân; có thể ứng dụng tấm SCGel trong điều kiện mổ hở, tuy nhiên, cần nghiên cứu thiết kế hệ thống Catheter để có thể mổ nội soi bằng cách vừa bơm gel chứa tế bào phủ lên vùng mô tim tổn thương, vừa chiếu sáng để liên kết gel tạo thành tấm tại chỗ phủ lên vùng mô tim bị tổn thương nhằm giảm thiểu sự xâm lấn cho bệnh nhân; có thể ứng dụng tấm SCS và SCGel cho những mục đích khác như: ứng dụng trong làm lành thương, nuôi trứng 3D, nuôi tế bào 3D, tạo các vật liệu sinh học kết hợp khác.v.v...

Còn theo GS.TS. Đồng Khắc Hưng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, phương pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bằng tế bào gốc trung mô ở giai đoạn hiện tại mang lại nhiều kết quả tích cực. Sau thời gian điều trị, bệnh nhân thường giảm khó thở, phục hồi sức khỏe, tăng cường sinh lực. Bên cạnh đó, có sự cải thiện đáng kể về giấc ngủ và giảm số lần nhập viện cũng như số cơn kịch phát. Liệu pháp ghép tế bào gốc có nhiều ưu điểm so với phương pháp điều trị truyền thống như: khả năng tác động vào cơ chế bệnh sinh bằng việc sử dụng phương pháp sinh học; có thể trì hoãn sự phát triển của những tổn thương mới; góp phần vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Về nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc từ răng người, TS Trần Lê Bảo Hà (Trưởng Phòng thí nghiệm Kỹ nghệ mô và Vật liệu Y sinh - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên) chia sẻ, tủy răng là mô giàu tế bào gốc, có khả năng biệt hóa thành các tế bào hình thành mô cứng, tế bào thần kinh, tế bào mỡ... sau khi tổn thương. Kỹ nghệ mô liên quan đến việc tạo ra các mô chức năng có khả năng thay thế mô bị mất hoặc hư hỏng, có nghĩa là tế bào gốc tủy răng sẽ giúp chúng ta cơ hội tạo ra những cái răng thật thay thế các răng phải loại bỏ vì hư hỏng. Ðiều này có thể được thực hiện bằng cách nuôi cấy tế bào trong một khung nâng đỡ có lỗ xốp nhằm tạo ra cấu trúc có kích thước và hình dạng mong muốn. Việc nghiên cứu về tế bào gốc từ răng sẽ rất hiệu quả trong việc sửa chữa các tổ chức quan trọng trong cơ thể và giúp tránh được rủi ro đào thải trong liệu pháp cấy ghép.

BCV3.png

PGS.TS. Trần Lê Bảo Hà, Trưởng Phòng thí nghiệm Kỹ nghệ mô và Vật liệu Y sinh - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên chia sẻ Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc từ răng người.

Qua các thông tin trao đổi tại Hội thảo, có thể thấy, việc ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh tại Việt Nam rất đa dạng. Từ công nghệ ghép tế bào gốc tạo máu (ghép tủy), sử dụng tế bào gốc mô mỡ tự thân chữa thoái hóa khớp gối, liệu pháp tế bào gốc trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đến liệu pháp tế bào gốc ứng dụng trong điều trị bệnh đột quỵ, chấn thương sọ não, chỉ định điều trị hồi phục các di chứng thần kinh… Không dừng lại ở đó, trong tương lai, các bác sĩ và nghiên cứu sinh còn mong muốn tế bào gốc có thể ứng dụng trong phân tích cơ chế bệnh lý; tái sinh tế bào mới để thay thế những tế bào bệnh lý; tầm soát mức độ an toàn của thuốc mới...

Theo đại diện CESTI, bức tranh nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc ở nước ta đã dần được xây dựng hoàn chỉnh với ba lĩnh vực chính là: phân lập và lưu giữ các loại tế bào gốc; biệt hóa tế bào gốc thành các tế bào mang tính chuyên biệt hơn và ứng dụng tế bào gốc trong điều trị một số bệnh cho người. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng to lớn và những kết quả tích cực đạt được, vẫn còn một số hạn chế trong việc phát triển công nghệ tế bào gốc tại Việt Nam như: thiếu hụt cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế, nguồn nhân lực chuyên sâu và các nền tảng nghiên cứu tiên tiến; đầu tư cho nghiên cứu tế bào gốc còn thấp, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm sử dụng trong quy trình công nghệ tế bào gốc là rất thấp; khả năng làm chủ công nghệ quan trọng chưa cao; khả năng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ tế bào gốc ra nước ngoài là không đáng kể...

THAOLUAN.png

Phần thảo luận tại sự kiện.​

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, xu hướng nghiên cứu công nghệ tế bào gốc phục vụ lĩnh vực y tế tại Việt Nam đang đứng trước thực trạng đầy tiềm năng, nhưng cũng lắm thách thức. Để đưa lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc dần bắt nhịp với khu vực và thế giới, cần có một chiến lược tổng thể dài hạn và tiếp tục xây dựng các chính sách, chương trình thúc đẩy nghiên cứu nhằm tạo thêm động lực cho các nhà khoa học. Cùng với đó, cần có hành lang pháp lý cho việc nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tại Việt Nam, nhằm bảo đảm tính khoa học, đạo đức, cũng như tuân thủ các quy định chung của quốc tế.

Với những bài tham luận chất lượng và phiên thảo luận chuyên sâu tại Hội thảo, các chuyên gia đã cùng nhau trao đổi kiến thức và kinh nghiệm, cung cấp thông tin về những tiến bộ, thành quả đạt được trong lĩnh vực tế bào gốc. Đây cũng là cơ hội để kết nối hợp tác giữa các Trường Đại học chuyên ngành y dược và các Viện nghiên cứu, tổ chức y tế, từ đó tạo cơ sở hình thành nhiều công trình nghiên cứu tiếp theo, góp phần xây dựng nền y học hiện đại, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ cao, phục vụ thiết thực cho sức khỏe của nhân dân.

Được biết, chủ đề “Xu hướng nghiên cứu công nghệ tế bào gốc phục vụ lĩnh vực y tế” sẽ tiếp tục được CESTI xây dựng thành một chuyên đề trong Chuyên mục “Thảo luận công nghệ” trên Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ (Techport.vn) của Sàn Giao dịch Công nghệ TP.HCM.

 Minh Nhã (CESTI)