Hội thảo xu hướng công nghệ phát triển vật liệu xây dựng hướng tới giảm thiểu phát thải carbon

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

12/11/2024 80


Giảm phát thải carbon không chỉ giúp giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu, mà còn mang đến nhiều lợi ích như góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ đa dạng sinh học, đảm bảo tương lai bền vững, kích thích sự sáng tạo, phát triển công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống con người.

Tại Việt Nam, xây dựng là ngành có mức tiêu thụ tài nguyên lớn nhất và có lượng phát thải carbon cao đang đứng trước thách thức lớn. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu lượng carbon từ sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn là chìa khóa để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Để giúp các nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp có thêm thông tin về các xu hướng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ phát triển vật liệu xây dựng trong và ngoài nước hướng tới giảm thiểu phát thải carbon, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) sẽ tổ chức Hội thảo “Xu hướng công nghệ phát triển vật liệu xây dựng hướng tới giảm thiểu phát thải carbon” vào lúc 8 giờ ngày thứ năm 14/11/2024. Hội thảo sẽ diễn ra trực tiếp tại Sàn Giao dịch Công nghệ TP.HCM (79 Trương Định, Phường Bến Thành, Quận 1) và được truyền phát trực tuyến trên nền tảng ứng dụng Google Meet.

BCPTXH.jpg

Dự kiến tại Hội thảo, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ sẽ cung cấp thông tin về xu hướng công nghệ phát triển vật liệu xây dựng hướng tới giảm thiểu phát thải carbon trên cơ sở số liệu sáng chế quốc tế. Trong khuôn khổ Hội thảo, các nhà khoa học cũng sẽ trình bày một số giải pháp đáng chú ý như:

+ Kỹ thuật kết hợp phụ phẩm công nghiệp trong bê tông bền vững và ít phát thải CO2 (PGS.TS. Huỳnh Trọng Phước, Trường Bách Khoa - Đại học Cần Thơ).

+ Nghiên cứu ứng dụng tro xỉ nhiệt điện trong bê tông góp phần giảm phát thải khí hiệu ứng nhà kính (TS. Lê Văn Quang, Giám đốc Phân viện Vật liệu Xây dựng miền Nam).

+ Một số kết quả hướng nghiên cứu sản xuất ứng dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp tại Khoa Công nghệ Vật liệu, Đại học Bách khoa - ĐHQG TP.HCM (TS. Nguyễn Khánh Sơn, Đại học Bách Khoa - ĐHQG TP.HCM).

+ Vật liệu aerogel tính năng cao từ phụ phẩm nông nghiệp và công nghiệp (ThS. Đỗ Nguyễn Hoàng Nga, Viện Nhiệt đới Môi trường).

Với các công nghệ khả thi đã sẵn sàng chuyển giao, hội thảo hướng đến mục tiêu kết nối để đưa vào ứng dụng trong sản xuất quy mô công nghiệp. Điển hình là quy trình tổng hợp aerogel từ chất thải nông nghiệp hay công nghiệp (đã được nghiên cứu trên quy mô phòng thí nghiệm và quy mô pilot) sẽ được kết nối hợp tác nghiên cứu hoàn thiện công nghệ ở quy mô công nghiệp và tiến hành chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp đã đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng phù hợp.

Hoàng Kim (CESTI)