Đánh giá tình hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM
30/09/2024 130
Là nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao chủ trì thực hiện, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hà làm chủ nhiệm, được nghiệm thu năm 2023.
Tại Việt Nam, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (hay nông nghiệp công nghệ cao - NNCNC) xuất hiện từ đầu thế kỷ 21 và được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương. Tại TP.HCM, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, hàng năm có khoảng 900 ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi; lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp luôn có xu hướng giảm (giảm khoảng 10,78%/năm). Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, NNCNC, công nghệ sinh học; giảm diện tích trồng lúa, mía, muối hiệu quả thấp, chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của Thành phố như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, lươn, bò thịt, chim yến,…
Trong những năm qua, tỷ trọng đóng góp GRDP (Gross Regional Domestic Product) nông nghiệp của TP.HCM không cao (khoảng 1%), nhưng là ngành không thể thiếu trong việc ổn định xã hội và là bệ đỡ cho sự phát triển kinh tế. Do vậy, Thành phố đã ban hành nhiều chính sách, đề án, chương trình cho nông nghiệp để hướng đến nền nông nghiệp đô thị, nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp bền vững nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa, cũng như tăng năng suất, chất lượng, tăng giá trị sản phẩm. Trong 10 năm qua, nền nông nghiệp Thành phố đã có những chuyển biến rõ rệt. Minh chứng là, lực lượng tham gia sản xuất nông nghiệp từ 2011 đến 2018 giảm 2,22 lần, tỷ lệ giảm hàng năm giảm 10,78% nhưng thu nhập bình quân mỗi người trong năm đạt 146,2 triệu đồng (2018) gấp 5,5 lần so với năm 2010 (26,6 triệu đồng). Thu nhập bình quân của từng người tăng qua hàng năm với mức tăng 23,73%.
Tuy nhiên, TP.HCM là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật lớn của cả nước, tiềm năng ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển NNCNC còn rất lớn. Qua một số chương trình nông nghiệp tại TP.HCM có thể thấy, Thành phố đang đẩy mạnh ngành nông nghiệp là ngành có hàm lượng ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất để tương ứng với tiềm lực khoa học công nghệ lớn và nguồn nhân lực đồi dào; cùng với đó là hạ tầng cơ sở vật chất, kinh phí cho nghiên cứu, chuyển giao mạnh.
Nhiệm vụ nghiên cứu nêu trên được thực hiện với mục tiêu tổng quát là đánh giá đúng thực trạng bối cảnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, nhóm nghiên cứu tập trung hệ thống hóa cơ sở dữ liệu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM; đánh giá thực trạng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thành phố; đề xuất tiêu chí xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố.
Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở các quy mô hộ gia đình, đơn vị/tổ chức/doanh nghiệp tại 6 quận/huyện của TP.HCM gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Thành phố Thủ Đức. Các lĩnh vực khảo sát là thực trạng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, sản xuất hoa - cây kiểng, sản xuất nấm và sản xuất thuỷ sản.
Kết quả, đề tài đã chỉ ra thực trạng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại TP.HCM, cụ thể như sau:
+ Ứng dụng công nghệ trong sản xuất rau: tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến của hộ nông dân tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố mới chỉ ở mức trung bình; trong khi đó đối với các đơn vị, tổ chức sản xuất kinh doanh lĩnh vực rau gần như đã áp dụng công nghệ trong tất cả các giai đoạn của quy trình sản xuất.
Tình hình ứng dụng công nghệ trong sản xuất rau
+ Ứng dụng công nghệ trong sản xuất hoa - cây kiểng: tương tự như lĩnh vực rau, ở lĩnh vực sản xuất hoa - cây kiểng, mức độ ứng dụng công nghệ trong sản xuất của nhóm này cũng mới đạt ở mức trung bình; tỷ lệ ứng dụng ở các đơn vị, tổ chức sản xuất đạt 100%.
+ Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nấm: so với rau và hoa - cây kiểng, sản xuất nấm ở Thành phố Hồ Chí Minh tại các hộ sản xuất cao hơn. Tỷ lệ ứng dụng các công nghệ hiện có tại các tổ chức, đơn vị vẫn đạt 100%.
+ Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thuỷ sản: nhìn chung trong các nội dung thực hiện khảo sát, lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản ở các hộ nông dân có tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao hơn so với các nhóm khác. Tỷ lệ này đối với nhóm đơn vị, tổ chức sản xuất kinh doanh thuỷ sản vẫn đạt 100%.
Hệ thống pha dinh dưỡng và tưới nước tự động cho mô hình sản xuất ớt tiêu chuẩn hữu cơ
Qua đánh giá kết quả thực trạng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM có thể thấy, thị trường tiêu thụ ở Thành phố vừa là điểm mạnh, là cơ hội cho sản phẩm NNCNC nhưng cũng đồng thời là điểm yếu. Thành phố có mật độ dân số đông nhất cả nước, với dân số gần 9 triệu người (chiếm khoảng 10% tổng dân số cả nước) thì đây là thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ ở Thành phố cũng có sự khác biệt rõ rệt về yêu cầu sản phẩm. Phần lớn người tiêu thụ có mức thu nhập trung bình trở xuống, do đó chưa có sự ưu tiên cho các sản phẩm chất lượng cao và giá thành cao. Mặt khác, vấn đề tạo dựng thương hiệu, chuỗi giá trị của sản phẩm chưa được đồng bộ, người tiêu dùng chưa có nhiều niềm tin vào các sản phẩm sạch, sản phẩm công nghệ cao. Sự phát triển về khoa học công nghệ cũng là một điểm mạnh của Thành phố trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, việc thay đổi nhận thức của người dân để chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại vẫn là một thách thức của ngành nông nghiệp Thành phố.
Trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các nhóm giải pháp nhằm nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Đó là nhóm các giải pháp chung theo chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp của Thành phố và nhóm giải pháp cụ thể cho các lĩnh vực (sản xuất rau công nghệ cao, sản xuất hoa – kiểng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nấm ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thuỷ sản nông nghiệp công nghệ cao). Các nhóm giải pháp bao gồm các giải pháp cụ thể về công tác quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, cơ chế chính sách, khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thị trường và xúc tiến thương mại.
Về tiêu chí xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đề tài đã đưa ra cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và vận dụng kết quả những nghiên cứu trước đó cùng với kết quả thực trạng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để đề xuất 21 tiêu chí (chia thành 3 nhóm: các tiêu chí về môi trường, các tiêu chí về xã hội, các tiêu chí về kinh tế) để xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị tại TP.HCM.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Lam Vân (CESTI)