Xây dựng nền tảng trực tuyến thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của TP.HCM
23/07/2024 36
Là nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Thành phố do Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đổi mới sáng tạo Victory chủ trì thực hiện, ThS. Nguyễn Việt Đức làm chủ nhiệm, được nghiệm thu năm 2024.
TP.HCM đóng góp khoảng 1/3 ngân sách cả nước, tăng trưởng kinh tế đóng góp khoảng 23% cho phát triển chung và luôn đạt trên 1,5 lần trung bình của cả nước. Việc khai thác tốt các tiềm năng phát triển của Thành phố, đặc biệt là phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) sẽ tạo động lực mạnh hơn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng Đông Nam bộ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
ĐMST trong phạm vi nghiên cứu xây dựng, ứng dụng của nhiệm vụ khoa học công nghệ này là một tập hợp bao gồm hạt nhân là doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và hệ sinh thái tác động trực tiếp. Doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST (startup) là loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, và có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu (theo Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Hệ sinh thái tác động trực tiếp bao gồm nhưng không hạn chế bởi mạng lưới các tổ chức, các tác nhân cùng với các thể chế chính sách, tương tác lẫn nhau và tương tác tới hạt nhân, góp phần tạo ra sản phẩm mới, quy trình mới, phương thức tổ chức mới, được áp dụng để mang lại lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội thông qua hạt nhân là doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.
Nhiệm vụ nêu trên được thực hiện theo đặt hàng của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM với mục tiêu tổng quát là xây dựng nền tảng kết nối trực tuyến, đa chiều, đa phương thức các thành phần trong hệ sinh thái thúc đẩy hoạt động ĐMST và khởi nghiệp ĐMST nhằm tạo ra một nền tảng hỗ trợ toàn diện nâng cao chất lượng cho các startups. Đồng thời tạo môi trường cho các thành phần trong cộng đồng khởi nghiệp tìm kiếm đối tác, kết nối và chia sẻ các nguồn lực hiện có thông qua các hoạt động tư vấn, đào tạo cộng đồng về ĐMST, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến, kết nối thương mại, góp phần phát triển hệ sinh thái ĐMST trên địa bàn TP.HCM cũng như thu hút vốn đầu tư cho các startups tại Thành phố; định hướng trở thành cổng thông tin điện tử về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của TP.HCM.
Theo nhóm nghiên cứu, đây là một nhiệm vụ thực hiện theo định hướng phát triển của TP.HCM trong việc đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số của doanh nghiệp và ưu tiên phát triển hệ sinh thái ĐMST cho Thành phố. Nền tảng trực tuyến thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của TP.HCM (gọi tắt là H.OIP) đã được ban hành tại Quyết định số 672/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025, thuộc nhiệm vụ VII, dự án 1: Phát triển nền tảng trực tuyến thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo), cụ thể là hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST và thúc đẩy hoạt động ĐMST, chuyển đổi số trong doanh nghiệp SMEs.
Bốn trụ cột chính để nền tảng H.OIP được xây dựng trong giai đoạn này sẽ tập trung là cơ quan Nhà nước, các cơ sở ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startups) và các nhà đầu tư. Nhiệm vụ được chia làm 3 giai đoạn: nghiên cứu thiết kế nền tảng, xây dựng nền tảng và vận hành thử nền tảng.
Hình ảnh tập huấn triển khai sử dụng H.OIP trong khuôn khổ nhiệm vụ
Nhóm đã hoàn thành tốt tất cả các nội dung chi tiết và nền tảng cơ bản được đề ra, bao gồm: khảo sát, khuyến nghị cấu trúc hệ sinh thái trực tuyến; nghiên cứu ưu, nhược điểm của các mô hình platform trực tuyến và bài học kinh nghiệm trong quản trị/vận hành; thiết kế giải pháp toàn bộ giải pháp kiến trúc dữ liệu, khung giao thức kết nối, kiến trúc wireframe hệ thống, UI/UX người dùng; dự thảo các mô hình vận hành; tổ chức các hội thảo và lấy ý kiến cộng đồng; dự thảo bộ tiêu chí đo lường chi tiết và hệ thống dữ liệu đo lường hiệu quả hệ sinh thái; triển khai nền tảng công nghệ; code hệ thống platform; test, lựa chọn phản hồi người dùng, hoàn thiện Version 1 và Version 2 hệ thống; tổ chức dự kiến trong 12 tháng và xây dựng kế hoạch triển khai vận hành 6 tháng đầu tiên; đào tạo người dùng, viết tài liệu người dùng và bàn giao hệ thống công nghệ; vận hành thử nghiệm 6 tháng; truyền thông đại chúng; kiểm định an toàn thông tin; đăng tải và khởi động các nguồn cung cấp thông tin ban đầu để sẵn sàng khởi động; đề xuất các chính sách thúc đẩy phát triển; đo lường sơ bộ các chi phí khi vận hành chính thức; đề xuất hình thức tổ chức cơ sở dữ liệu, lưu trữ và phát triển hạ tầng; tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo hướng dẫn sử dụng cơ sở.
Màn hình quản lý chung (dashboard) phiên bản và màn hình quản lý startup trên H.OIP
Sản phẩm hoàn thành: nền tảng trực tuyến thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo TP.HCM (H.OIP) đã sẵn sàng triển khai cho hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Thành phố, bước đầu được tổ chức báo cáo cho TP.HCM, Bộ Khoa học và Công nghệ. Nền tảng cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ được 4 nhóm đối tượng trọng yếu là các nhà khởi nghiệp, Nhà nước, nhà ươm tạo, nhà đầu tư. Đặt trên hệ thống máy chủ (môi trường test của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) đảm bảo đường truyền và response time dưới 3s, đảm bảo trên 3000 người hoạt động cùng lúc mà không gặp vấn đề. Thiết lập được hệ thống dữ liệu lớn phục vụ cho 4 đối tượng chính của nền tảng, trong đó tập trung cơ sở dữ liệu về hướng hạt nhân của hệ sinh thái: startup. Đảm bảo quy trình kết nối các đối tượng 100% online hướng tới online to offline qua các không gian kết nối tại các cơ sở hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Để triển khai vận hành hiệu quả nền tảng H.OIP, nhóm nghiên cứu lưu ý một số nội dung trọng yếu có tác động tới hiệu quả của nền tảng này, cụ thể là các nội dung liên quan đến mô hình vận hành (mô hình lợi nhuận của nền tảng xã hội, nhân sự vận hành chuyên trách và sự đông đảo của các nhân sự hệ sinh thái đồng tham gia vận hành, các hoạt động truyền thông và hỗ trợ phát triển vận hành, lan tỏa tới cộng đồng); tiến hóa về mặt ứng dụng; tiến hóa về mặt hạ tầng; hợp tác nội bộ hệ sinh thái; hợp tác quốc tế; kết nối với các chương trình chính sách công;…
Kết quả của nhiệm vụ giúp xây dựng cộng đồng trực tuyến thông qua việc tạo ra một nền tảng cho phép các thực thể khác nhau tương tác và phát triển chung, qua đó thúc đẩy hệ sinh thái ĐMST mạnh mẽ. Nền tảng H.OIP kết nối chặt chẽ các thành phần trong hệ sinh thái, từ doanh nghiệp khởi nghiệp đến các tổ chức, giúp chia sẻ kiến thức, giải quyết các vấn đề chung. Việc xây dựng giải pháp toàn diện cho kiến trúc dữ liệu và giao thức kết nối đảm bảo tính bảo mật và hiệu quả trong xử lý dữ liệu, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ của nền tảng. Nhiệm vụ cũng đã tạo ra một ứng dụng di động thuận tiện cho người dùng, đồng thời phát triển hệ thống quản trị để nhanh chóng thích ứng và cập nhật dựa trên phản hồi từ người dùng; tích hợp và tự động hóa nhiều quy trình thông qua việc sử dụng các công cụ hiện đại như Firebase và các dịch vụ điện toán đám mây, nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý và vận hành. Nền tảng H.OIP còn cung cấp các công cụ và dịch vụ hỗ trợ cho việc xúc tiến thương mại và thu hút vốn đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Những kết quả này được kỳ vọng không chỉ đóng góp vào sự phát triển khoa học và công nghệ ở cấp độ địa phương mà còn có tiềm năng lan tỏa ra khu vực và quốc tế; thúc đẩy sự đổi mới và phát triển kinh tế; tăng cường kết nối và hợp tác; hình thành hệ thống dữ liệu toàn diện, kịp thời, đa chiều, được phân loại, có khả năng tự mở rộng và có cấu trúc khoa học; nâng cao chất lượng dự án khởi nghiệp; tăng cường cơ hội học tập, hoàn thiện cho startup và cơ hội thương mại hóa, kết nối đầu tư; nâng cao hiệu quả truyền thông; hỗ trợ việc đề xuất đổi mới chính sách, nâng cao hiệu quả tương tác và điều hướng chính sách,…
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Diễm Hương - Lam Vân (CESTI)