Máy tạo sợi vải thế hệ mới: Tương lai cho “dệt may thông minh”
12/08/2024 94
Nhóm nghiên cứu tại Viện ATLAS thuộc Đại học Colorado Boulder (Hoa Kỳ) vừa chế tạo một chiếc máy có thể quay sợi dệt làm từ các vật liệu như gelatin và giúp tái chế sợi vải nhiều lần. Phát minh này nhằm giải quyết vấn đề gia tăng chất thải rắn trên toàn thế giới, mở ra hướng đi mới cho ngành thời trang.
Sợi vải sinh học làm từ gelatin với nhiều màu sắc.
Theo Eldy Lázaro Vásquez, đại diện nhóm nghiên cứu, máy quay sợi vải do nhóm tự chế tạo có kích thước khá nhỏ để đặt vừa trên bàn. Bà còn cho biết, người dùng có thể tùy chỉnh các sợi với độ bền, độ đàn hồi và màu sắc mong muốn. Sợi vải sinh học của nhóm khá giống sợi lanh và hòa tan trong nước nóng trong vài phút đến một giờ. Với loại máy quay sợi này, bất kỳ ai cũng có thể tạo ra sợi.
Chiếc máy tự chế dùng để kéo sợi gelatin.
Nhóm nghiên cứu tiến hành quay sợi với vật liệu gelatin, loại protein đàn hồi thường có trong xương và móng của nhiều loài động vật, gồm cả lợn và bò. Máy quay sợi vải của nhóm sử dụng ống tiêm nhựa để làm nóng và ép ra những giọt hỗn hợp gelatin lỏng. Sau đó, hai bộ con lăn trong máy sẽ kéo căng gelatin thành những sợi dài và mảnh, tương tự một con nhện giăng mạng từ tơ. Trong quá trình này, các sợi vật liệu sẽ đi qua bể chất lỏng, nơi chứa thuốc nhuộm gốc sinh học hoặc các chất phụ gia khác (ví dụ như genipin, một chiết xuất từ trái cây, sẽ làm cho sợi chắc khỏe hơn).
Eldy Lázaro Vásquez cho biết thêm, nhóm nghiên cứu đã chế tạo các cảm biến nhỏ từ sợi gelatin, bông và sợi dẫn điện. Sau đó, nhóm nghiên cứu ngâm chúng vào nước ấm. Gelatin hòa tan, giải phóng các sợi để dễ dàng tái chế và tái sử dụng. Đồng thời, các nhà khoa học cũng điều chỉnh tính chất hóa học của sợi, làm cho chúng đàn hồi hơn để phù hợp với điều kiện thời tiết. Ngoài ra, nhóm còn thử nghiệm phương pháp kéo sợi từ các nguyên liệu tự nhiên khác, chẳng hạn như chitin (một thành phần của vỏ cua), hoặc agar-agar (có nguồn gốc từ tảo). Sắp tới, nhóm dự định sẽ mở rộng nguồn vật liệu từ những phế phẩm thường bị lãng phí khác, từ đó giúp ngành thời trang trở nên “xanh” hơn, thân thiện hơn với môi trường.
Minh Nhã (CESTI) – Nguồn: Techxplore