Ðẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

31/07/2024 66


Thời gian qua, Bình Ðịnh tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở nhiều lĩnh vực, bước đầu tạo ra các dòng sản phẩm an toàn, chất lượng.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định: “Ứng dụng công nghệ cao là điều tất yếu khi muốn nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững”, đồng thời cho biết trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… là các lĩnh vực được nhiều cá nhân, tổ chức tập trung đẩy mạnh phát triển.

Ứng dụng công nghệ cao vào trồng trọt, chăn nuôi

Ở lĩnh vực trồng trọt, người dân và DN chủ yếu áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) và trồng trọt hữu cơ. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 281 ha cây trồng đã được chứng nhận VietGAP. Trong đó, có gần 122 ha rau, gần 130 ha cây ăn quả (chuối, bưởi, xoài, cam, mãng cầu), gần 15 ha lúa nếp (nếp ngự, nếp bàu Chánh Trạch).

Trang trại bò sữa Vinamilk Bình Định ứng dụng công nghệ vắt sữa tự động hiện đại. Ảnh: TRỌNG LỢI

Phát triển chăn nuôi theo hướng ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh cũng đang được tập trung vào 3 vật nuôi chủ lực: Bò, heo và gà. Đến nay, toàn tỉnh có 49 trang trại hoạt động chăn nuôi, sản xuất con giống theo hướng ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống chăn nuôi hiện đại, khép kín (34 trang trại heo, 14 trang trại gà, 1 trang trại bò sữa). Sản phẩm chăn nuôi trong trang trại, ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 30% đối với heo, 15% đối với gà. Đồng thời, có 59 trang trại, cơ sở chăn nuôi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Tiêu biểu là Công ty TNHH Nông nghiệp Trường Hải Bình Định đã đầu tư nâng công suất trại heo giống công nghệ cao Thagrico Bình Định tại huyện Phù Cát lên 13.500 heo giống cụ kỵ, ông bà, bố mẹ và 24.000 con heo thịt. Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư đã hoàn thành và đưa vào hoạt động 2 trang trại sản xuất gà giống ứng dụng công nghệ cao tại huyện Vân Canh và TX An Nhơn, với riêng số lượng tại đây là 880 nghìn gà giống bố mẹ. Hiện nay, công ty tiếp tục phát triển nhãn hiệu “Gà Minh Dư” mang tầm quốc tế, hướng đến xuất khẩu. Trang trại bò sữa Vinamilk Bình Định quy mô hơn 2.100 con, có hệ thống quản lý, chăn nuôi hiện đại, công suất sản xuất hơn 10 triệu lít sữa/năm cũng hoạt động hiệu quả.

Ngoài ra, việc nghiên cứu, tạo các giống cây lâm nghiệp chất lượng cao như: Keo lai, bạch đàn nuôi cấy mô, dược liệu…; hay ứng dụng hệ thống thông tin địa lý toàn cầu như công nghệ GIS, ảnh vệ tinh… trong quản lý, bảo vệ rừng cũng là hướng đi mới của phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), đánh giá: Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân; đồng thời giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nông sản, an toàn thực phẩm.

Phát triển nông nghiệp hữu cơ

Hoài Ân là huyện đi đầu của tỉnh trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, diện tích 17 ha/vụ, với 7 HTX nông nghiệp tham gia.

Năm 2019, HTX Nông nghiệp Ân Tín là đơn vị đầu tiên gieo sạ thí điểm lúa hữu cơ; các khâu trồng, chăm sóc chỉ dùng phân chuồng ủ mục và phun chế phẩm sinh học phòng sâu bệnh. Ông Bùi Long Xuân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ân Tín, cho hay: Mỗi năm, HTX gieo sạ 5,5 ha lúa hữu cơ, chủ lực là giống lúa Đài Thơm 8, năng suất đạt 44 tạ/ha.

Hiện nay, gạo hữu cơ Ân Tín đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, được bán tại các cửa hàng của HTX trong, ngoài huyện Hoài Ân; đồng thời, HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân cũng liên kết để thu mua, bán ra thị trường. Hiện nay, HTX cung ứng ra thị trường gần 13 tấn gạo hữu cơ/năm (giá 28.000 đồng/kg). Thời gian gần đây, gạo hữu cơ Ân Tín ngày càng được nhiều người tiêu dùng chọn dùng. Theo kế hoạch, thời gian tới, HTX khảo sát và tiếp tục nhân rộng lúa hữu cơ.

Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng khuyến khích, quy hoạch các vùng trồng cây ăn quả theo hướng trồng trọt hữu cơ. Đến nay, toàn tỉnh có gần 122 ha cây ăn quả được chứng nhận hữu cơ, chủ đạo là cây bưởi (2,5 ha), rau (2,4 ha), dừa (110 ha)... Ông Nguyễn Ngọc Thường, ở đội 5, thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân) đang trồng 1,5 ha cây bưởi da xanh xen ghép với cây ổi theo quy trình canh tác hữu cơ. Sau gần 4 năm, đến nay, cây bắt đầu cho trái bói. Cây ổi thì cho thu hoạch 4 mùa (thu nhập hơn 50 triệu đồng/mùa). Ông Thường cho hay: Trồng theo quy trình hữu cơ đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao hơn so với phương pháp canh tác thông thường và thường sản phẩm bán được giá cao. Toàn bộ diện tích cây bưởi da xanh và cây ổi được tưới bằng công nghệ tưới nhỏ giọt, sử dụng phân bón hữu cơ. Hiện nay, HTX Nông nghiệp Thanh niên Hoài Ân trực tiếp thu mua ổi và bưởi, nên tôi không phải lo đầu ra cho sản phẩm.

Với những giải pháp đồng bộ trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và các sản phẩm có lợi thế theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường; chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao... ngành Nông nghiệp tỉnh đã, đang thu được kết quả tích cực, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương.

TRỌNG LỢI

(Nguồn https://baobinhdinh.vn/)