Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2024, nhận hồ sơ xét công trình khoa học trước ngày 10/10/2024

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

10/05/2024 12


Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) nhằm tôn vinh các nhà khoa học có những công trình mang lại giá trị khoa học, kinh tế - xã hội lớn, đã và đang được áp dụng có hiệu quả tại Việt Nam. Giải thưởng do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Qũy Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam - cơ quan thường trực của Giải thưởng tiếp tục triển khai năm 2024.

Lĩnh vực dự thi Giải thưởng năm nay sẽ tập trung xét các công trình khoa học thuộc 6 lĩnh vực công nghệ: (1) Công nghệ Thông tin, Điện tử và Viễn thông; (2) Cơ khí và Tự động hóa; (3) Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; (4) Công nghệ Vật liệu; (5) Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; (6) Tiết kiệm năng lượng và sử dụng các nguồn năng lượng mới.

252024.jpg

Cơ cấu giải thưởng cho mỗi lĩnh vực tối đa gồm: 01 Giải Nhất, 02 Giải Nhì, 03 Giải Ba và 04 Giải Khuyến khích. Ngoài các giải thưởng do Bộ Khoa học và Công nghệ và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) sẽ trao 01 giải (mỗi giải thưởng gồm có Huy chương vàng, Bằng chứng nhận do Tổng Giám đốc WIPO ký cho các tác giả) cho công trình xuất sắc nhất.

Đối tượng áp dụng: Các tác giả là công dân Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài đang lao động, học tập, công tác tại Việt Nam có các công trình khoa học công nghệ được nghiên cứu, áp dụng trên lãnh thổ Việt Nam trong phạm vi 5 năm tính đến thời điểm cuối cùng nhận hồ sơ; Các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Về các yêu cầu đối với công trình được xét tặng Giải thưởng: Công trình không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và chưa được trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam và Giải thưởng của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc; Công trình đã được Hội đồng Khoa học cấp bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc các cấp tương đương trở lên, Hội đồng Khoa học của Tổng Công ty và các Tập đoàn kinh tế hoặc Hội đồng Khoa học của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật nghiệm thu đánh giá loại khá trở lên; Ưu tiên xét Giải thưởng đối với các công trình khoa học công nghệ được áp dụng mang lại hiệu quả cao ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo. Khuyến khích các tác giả trẻ tham gia vào các công trình khoa học công nghệ được áp dụng vào thực tế sản xuất và đời sống mang lại hiệu quả cao.

Về các tiêu chuẩn đánh giá đối với công trình được xét tặng Giải thưởng, phải có:

Tính mới - Công trình đề cập tới những công nghệ, những vấn đề khoa học công nghệ chưa được công bố trên thế giới, chưa được công bố hoặc phổ biến bằng các nguồn thông tin ở Việt Nam.

Tính sáng tạo - Căn cứ vào trình độ khoa học công nghệ ở trong nước và ngoài nước, kết quả nghiên cứu khoa học đó không nảy sinh một cách hiển nhiên đối với chuyên gia thuộc lĩnh vực đó mà là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật tạo ra.

Tính hiệu quả - Hiệu quả kinh tế là lợi ích trực tiếp có thể thu được do áp dụng công trình đó vào sản xuất và đời sống; Hiệu quả kỹ thuật được thể hiện bằng những giải pháp, chỉ tiêu kỹ thuật mới, tiến bộ hơn so với các giải pháp, chỉ tiêu kỹ thuật trước đó; Hiệu quả xã hội được thể hiện dưới dạng tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống, bảo vệ sức khỏe, điều kiện làm việc, an toàn lao động, bảo vệ môi trường.

Khả năng áp dụng là công trình có khả năng áp dụng rộng rãi trong sản xuất, sản phẩm dễ chế tạo, dễ sử dụng, nguyên vật liệu dễ kiếm, thay thế nhập ngoại.

Hồ sơ tham dự Giải thưởng gồm 2 bộ, gửi về Qũy Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC), 53 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Thời hạn nhận hồ sơ tham dự Giải thưởng trước ngày 10/10/2024.

Giải thưởng VIFOTEC do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương đoàn Trung ương Đoàn TNCS HCM phối hợp tổ chức thường niên. Giải thưởng nhằm tôn vinh các nghiên cứu đang ứng dụng thực tế của các nhà khoa học cả nước giúp nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội, góp phần thúc đẩy sản xuất của các doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thay thế nhập khẩu và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống, an ninh và quốc phòng. Đến nay đã có khoảng gần 3.000 công trình tham gia và hơn 900 công trình đoạt giải.

Nhật Linh (CESTI)