Bình Định đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

16/10/2021 24


Ngày 13.10 tại TP. Quy Nhơn, Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh do Phó Giám đốc Sở KH&CN Trần Đình Chương chủ trì, tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh đối với đề tài “Dự báo cung - cầu và giải pháp phát triển lao động, việc làm tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”  do Th.S Nguyễn Trần Thi, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định làm chủ nhiệm.  Với mục tiêu là đánh giá thực trạng lao động - việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động tỉnh giai đoạn 2011-2019; dự báo cung cầu và dịch chuyển cơ cấu lao động tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030; đề xuất các giải pháp phát triển lao động, việc làm cho người dân trong tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030.

Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh nghiệm thu đề tài

Qua 18 tháng thực hiện, đề tài thu thập thông qua số liệu điều tra mẫu 807 phiếu, thông tin phỏng vấn doanh nghiệp, người lao động và các cơ sở đào tạo. Thực trạng lao động - việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động tỉnh giai đoạn 2011-2019: Tỷ lệ lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động đã giảm từ 4,35% năm 2011 xuống 1,48% năm 2019. Chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu lao động có việc làm của tỉnh là nghề nghiệp như nghề giản đơn, trung bình giai đoạn là 31,59 %, lao động làm nghề trong nông, lâm, ngư nghiệp 20,16%, dịch vụ cá nhân, bảo vệ, bán hàng 16,3%, thợ thủ công 15,5%.  Doanh nghiệp vừa và nhỏ tạo việc làm hiện nay tương đối thấp so với các ngành doanh nghiệp khác, việc làm tại các huyện miền núi chủ yếu tập trung ở lĩnh vực nông lâm, thủy sản, thú y chiếm tỷ lệ cao nhất và có xu hướng giảm dần. Năm 2019 tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động từ 15 đến 64 tuổi chiếm 66,3% cao hơn so với năm 2009. Tỷ số giữa tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động và dân số phụ thuộc là 1,31 lần, như vậy, Bình Định đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Hiệu quả đào tạo của một số cơ sở mặc dù đã được cải thiện,tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh chưa cao, đội ngũ nhân lực chất lượng cao thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt trong một số lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn sau như y tế, pháp luật,  khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ nghề còn thấp, năng suất lao động theo giá hiện hành năm 2019 còn thấp, chỉ bằng 86,4% so với trung bình cả nước.

Th.S Nguyễn Trần Thi chủ nhiệm đề tài trình bày kết quả nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra những giải pháp phát triển lao động, việc làm cho người dân trong tỉnh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030: Nâng cao nhận thức của các cấp,các ngành và xã hội về đào tạo lao động, đổi mới quản lý nhà nước vềđào tạo nguồn lao động; Đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Giảm nghèo bền vững; Kết nối cung cầu, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; Chính sách việc làm công; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2025 đào tạo 650  nhân lực sau đại học phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, 100% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đạt chuẩn chức danh theo quy định.

Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình hành động số 07-Ctr/TU ngày 14 tháng 5 năm 2021 của tỉnh ủy Bình Định về thực hiện nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Bình Định giai đoạn 2020-2025.Tập trung đào tạo những ngành trọng điểm của tỉnh như: Ngành logistics, ngành dịch vụ du lịch, ngành Công nghệ thông tin. Bình Định cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng lao động trong ngành Công nghệ thông tin với mục tiêu đưa Bình Định trở thành địa phương đi đầu về công nghệ thông tin và nâng cao năng lực trong cuộc cách mạng 4.0, cung cấp lao động khoa học công nghệ cao, đặc biệt công nghệ AI cho khu vực. Các trường cần nghiên cứu bổ sung thêm các chuyên ngành đào tạo về ICT, blockchain, trí tuệ nhân tạo….; Đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid 19.

Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh đánh giá cơ sở lý luận và tính thực tiễn của nghiên cứu và nghiệm thu Đạt.

Tin ảnh Lê Tuấn