Hiệu quả kinh tế chăn nuôi lợn Landrace và YorkShire cao sản Đan Mạch nuôi tại Bình Định

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

05/07/2021 17


Ngày 01.7, Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh do TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN chủ trì nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu khả năng sinh sản, sinh trưởng, sức sinh sản của dòng lợn Landrace và YorkShire cao sản Đan Mạch nuôi tại Bình Định” do Bác sĩ thú y Lê Thanh Phong (Trung tâm Giống Nông nghiệp)  làm chủ nhiệm.

Quang cảnh Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh nghiệm thu đề tài

Từ năm 2013, Việt Nam đã nhập giống lợn Landrace và YorkShire cao sản có nguồn gốc từ Đan Mạch để từng bước cải tạo, nâng cao chất lượng sinh sản của đàn lợn nái Việt Nam. Tuy nhiên đến nay các giống lợn cao sản này chủ yếu được nuôi khảo nghiệm tại các cơ sở giống của Trung ương.

Với mục đích nhân thuần giống lợn Landrace và YorkShire cao sản Đan Mạch để tạo con giống có khả năng sinh sản cao và thích nghi tốt với điều kiện nuôi tại Bình Định. Theo dõi khả năng sinh trưởng, sinh sản và sức sản suất của giống lợn Landrace và YorkShire cao sản Đan Mạch nuôi tại Bình Định. Đánh giá hiệu quả kinh tế chăn nuôi lợn Landrace và YorkShire cao sản Đan Mạch nuôi tại Bình Định.

 

Bác sĩ thú y Lê Thanh Phong (Trung tâm Giống Nông nghiệp)  trình bày kết quả nghiên cứu

Kết quả sau 3 năm nghiên cứu của đề tài cho  thấy: Tỷ lệ thụ thai khi phối giống bằng thụ tinh nhân tạo của lứa 1 của cả hai giống đạt 80%. Tăng trọng bình quân giai đoạn từ 60 đến 180 ngày tuổi của lợn Landrace là 692,25 gam/ngày của YorkShire là 678,29 gam/ngày. Khả năng cho thịt đạt cao với tỷ lệ thịt xẻ trên 72% tương ứng với tỷ lệ nạc trên 58%. Hiệu quả sử dụng thức ăn tốt và tương đương nhau, bình quân giai đoạn từ 60 đến 180 ngày tuổi tiêu tốn thức ăn cho 1 kg tăng trọng là 2.5 kg. Lợn Landrace và YorkShire cao sản Đan Mạch trong điều kiện nuôi tại Trạm giống gia súc Long Mỹ có khả năng đề kháng bệnh truyền nhiễm khá tốt. Khả năng sinh sản tốt, phẩm chất tinh dịch của lợn đực giống đạt, số con sơ sinh/ổ là 14 con…

Cũng theo nhóm nghiên cứu, trong khuôn khổ thực hiện đề tài, chăn nuôi lợn Landrace và YorkShire cao sản Đan Mạch có hiệu quả kinh tế cao.

Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh đánh giá đề tài có ý nghĩa thực tiễn, góp phần cải tạo giống lợn và tăng hiệu quả chăn nuôi tại Bình Định. Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh thống nhất nghiệm thu đề tài Đạt.

Tin ảnh Lê Tuấn