Điều chế tinh bột lúa mì acetat hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường tuýp 2 tại Bình Định

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

02/12/2020 29


Ngày 30.11, Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh do TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN chủ trì nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu điều chế tinh bột lúa mì acetat để hỗ trợ điều trị bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 tại Bình Định” do BS.CKII Lê Quang Hùng (Giám đốc Sở Y tế Bình Định) và PGS.TS Trần Hữu Dũng, Phó Trưởng khoa Dược, Trường ĐH Y Dược Huế đồng chủ nhiệm.

Quang cảnh Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh nghiệm thu đề tài

Trong suốt quá trình điều trị bệnh đái tháo đường, tinh bột đề kháng (RS: Resistant starch) đóng một vai trò hết sức có ý nghĩa trong chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ĐTĐ, vì đây là loại tinh bột có khả năng chống lại sự thủy phân của enzyme amylase. Có nhiều loại tinh bột đề kháng bao gồm RS1 là phần tinh bột không tiêu hóa được có trong thành tế bào một số thực vật, RS2 là tinh bột đề kháng có trong khoai tây, chuối xanh và một số thực vật khác, RS3 hình thành trong quá trình chế biến bằng phương pháp vật lý và RS4 được tạo thành bằng phương pháp hóa học. Trong 4 loại RS kể trên thì RS4 có nhiều ưu điểm hơn như dễ chủ động sản xuất với quy mô lớn đồng thời đây cũng là loại có tác dụng đề kháng với enzyme amylase rõ rệt nhất. Với các mục tiêu sau: Điều chế nguyên liệu tinh bột lúa mì acetat đề kháng với enzym amylase và chế biến bánh tinh bột lúa mì acetat dùng cho người bị ĐTĐ típ 2; Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng của nguyên liệu tinh bột lúa mì acetat và bánh tinh bột lúa mì acetat dùng cho người bị ĐTĐ típ 2; Đánh giá khả năng hạn chế mức glucose máu sau ăn trên người tình nguyện bị ĐTĐ típ 2 của khẩu phần bánh chứa tinh bột lúa mì acetat (clinical – trial).

PGS.TS Trần Hữu Dũng trình bày kết quả nghiên cứu

Sau hơn 2 năm triển khai, nhóm nghiên cứu đã  xây dựng quy trình điều chế tinh bột lúa mì acetat quy mô 0.5kg/mẻ trong phòng thí nghiệm; Xác định được các đặc tính lý hóa của TBAC; Xây dựng được Tiêu chuẩn chất lượng của nguyên liệu TBAC; Xây dựng được Tiêu chuẩn chất lượng của nguyên liệu TBAC  theo tiêu chuẩn của thực phẩm bột ngũ cốc dùng cho nguyên liệu bột làm thực phẩm, bao gồm các chỉ tiêu chất lượng với mức chất lượng yêu cầu cùng phương pháp kiểm nghiệm tương ứng; Xác định được độc tính cấp và độc tính trường diễn của TBAC trên chuột; Xác định được sự cải thiện các chỉ số glucose, insulin và bilan lipid máu của TBAC trên chuột bị gây BPĐTĐT2; Xây dựng được quy trình chế biến bánh ngọt không kem chứa TBAC;  Xác định được khả năng cải thiện glucose máu sau ăn trên người tình nguyện bị ĐTĐ típ 2 của bánh chứa TBAC với khẩu phần ăn sáng gồm 2 bánh chứa TBAC (80 g), nồng độ glucose máu sau ăn tại G1 và G2 đều thấp hơn có ý nghĩa so với TBTN (p<0.05) giúp tránh tình trạng tăng glucose máu đột ngột sau ăn. Đồng thời bánh TBAC còn giúp ổn định glucose máu trong suốt 2h sau ăn, tránh hiện tượng biến thiên tăng – giảm glucose máu lớn, làm giảm cảm giác đói với người bệnh. Khẩu phần ăn chứa 40g TBAC trong mỗi bữa ăn cho bệnh nhân ĐTĐ típ 2 có HbA1c £ 7.15 vẫn có thể kiểm soát tốt nồng độ glucose máu sau ăn khi không sử dụng thuốc hạ glucose máu. Để kiểm soát tốt mức glucose máu sau ăn, khuyến cáo nên sử dụng lượng TBAC theo BMI của từng cá nhân người bệnh. Công thức tính lượng TBAC trong khẩu phần ăn phù hợp theo BMI cá thể để không cần dùng thuốc vẫn dự báo có thể kiểm soát tốt glucose máu sau ăn như sau: m (g) £ 1.70 x BMI

Các thành viên Hội đồng đánh giá đề tài có ý nghĩa khoa học thực tiễn

Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh đánh giá đề tài có ý nghĩa khoa học thực tiễn, các kết quả nghiên cứu của đề tài này là cơ sở ban đầu rất quan trọng cho các nghiên cứu tiếp theo nhằm phát triển nguồn nguyên liệu TBAC và các loại thực phẩm chứa TBAC trên quy mô sản xuất công nghiệp để đưa được các sản phẩm này ra thị trường trong thời gian đến hổ trợ cho công tác điều trị bệnh béo phì và ĐTĐ típ 2. Hội đồng KH&CN chuyên ngành tỉnh thống nhất nghiệm thu đề tài và xếp loại Xuất sắc.

Tin ảnh H. Tuấn