Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình Nông thôn miền núi
19/11/2020 26
Sáng 13/11, tại TP. Bắc Giang, Bộ KH&CN phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 (gọi tắt là Chương trình Nông thôn miền núi). Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Hoàng Giang - Thứ trưởng Bộ KH&CN; Đinh Khắc Đính - Phó Chủ tịch TW Hội Nông dân Việt Nam; Triệu Văn Bình - Phó Vụ trưởng Hội đồng dân tộc của Quốc hội; Nguyễn Cao Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ tổng hợp Ủy ban dân tộc; Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ngành TW, đại diện 55 Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh trong toàn quốc tham dự.
Quang cảnh Hội nghị
Trong giai đoạn 2016-2020, có 400 dự án được triển khai trên 61 tỉnh/thành phố (phê duyệt 417 dự án, 17 dự án không thực hiện) với tổng kinh phí đầu tư là 3.066.340 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ nguồn Ngân sách Sự nghiệp Khoa học và công nghệ Trung ương là 1.224.085 triệu đồng (chiếm 39,92%), kinh phí từ nguồn khác là 1.842.255 triệu đồng (chiếm 60,08%). Công nghệ chuyển giao của các dự án tập trung vào các nội dung: Tiến bộ khoa học và công nghệ về giống mới và công nghệ nhân giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, giống nấm; Quy trình công nghệ sản xuất tiên tiến, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả kinh tế, an toàn với môi trường, công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến; Công nghệ tiên tiến và thiết bị đồng bộ trong thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm; Công nghệ sơ chế nông – lâm thủy sản, dược liệu cho vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; Công nghệ sinh học trong sản xuất các chế phẩm sinh học dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản; phân vi sinh; xử lý môi trường; phòng trừ dịch bệnh; Công nghệ tưới tiêu cho các loại cây trồng, các giải pháp kỹ thuật cung cấp nước ngọt, nước sạch cho các vùng khan hiếm nước; Quy trình, thiết bị máy móc trong sản xuất nông nghiệp.
Một mô hình trồng cam Chương trình Nông thôn miền núi của tỉnh Bắc Giang
Chương trình Nông thôn miền núi đã tạo được điểm sáng về ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực tại các địa phương, tạo đà cho việc ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất và thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả của Chương trình duy trì và phát huy nhân rộng góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn cũng như thực hiện chương trình phát triển KT-XH bền vững của địa phương. Hiệu quả của Chương trình được các cấp chính quyền và người dân đánh giá cao và nhân rộng trong thực tiễn. Thông qua việc triển khai Chương trình đã huy động hàng trăm viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp chuyển giao, ứng dụng và làm chủ được hàng nghìn quy trình kỹ thuật, công nghệ thiết bị tiến tiến vào sản xuất và đời sống, xây dựng hàng trăm mô hình, đào tạo được hàng trăm nghìn lượt cán bộ kỹ thuật và người dân nắm vững các tiến bộ kỹ thuật, góp phần tạo ra hàng nghìn việc làm mới, sản phẩm mới, sản phẩm thuộc Chương trình OCCOP... của các địa phương, tăng thu nhập cải thiện rất lớn đời sống nhân dân.
Tại Hội nghị đã thảo luận một số vấn đề mà nhiều địa phương đang gặp phải, đó là: việc kiểm tra, giám sát định kỳ theo Thông tư 04/20015/TT-BKHCN ngày 11/3/2015 còn một số bất cập, chưa linh hoạt; việc xử lý tài sản dự án theo quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 chưa rõ ràng và khó khăn thực hiện khi dự án kết thúc; hầu hết các doanh nghiệp chủ trì dự án còn thiếu kinh nghiệm trong việc sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước, cũng như việc bố trí nhân sự, kinh phí và các nguồn lực khác để thực hiện dự án chưa hợp lý dẫn đến tiến độ dự án bị chậm; người dân khu vực nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn khi tham gia các dự án về vốn sản xuất vì là đa số là vùng dân tộc nghèo, về việc nắm bắt tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế vì trình độ dân trí thấp, đặc biệt cơ chế duy trì, nhân rộng các mô hình khi các dự án chưa thật sự phát huy hết hiệu quả.
Định hướng trong giai đoạn 2021-2025, chương trình cần tập trung vào một số nội dung sau: tiếp tục thực hiện việc quản lý và xử lý các vấn đề phát sinh của các dự án đã được phê duyệt; rà soát mục tiêu, nội dung của giai đoạn 2021-2025, trong đó ưu tiên cho các dự án do các doanh nghiệp có năng lực thực hiện để hỗ trợ hình thành doanh nghiệp khoa học công nghệ tại địa phương; các dự án có công nghệ chế biến sâu, các công nghệ hiện chưa có địa phương đề xuất; các dự án có chuyển giao các công nghệ về cây trồng chịu mặn, ... Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền tham mưu xây dựng chính sách để tháo gỡ một số khó khăn như việc xử lý tài sản cho các dự án thuộc Chương trình sau khi kết thúc; sửa đổi một số điều của Thông tư 04/20015/TT-BKHCN ngày 11/3/205; việc duy trì, nhân rộng dự án cần được nghiên cứu cụ thể để xác định rõ những tác động, từ đó đề xuất những giải pháp đồng bộ; và cần có sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan quản lý ở Trung ương và địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm, phổ biến, thông tin tuyên truyền tới người dân nhằm phát huy sự lan tỏa của các dự án.
Bài ảnh Phan Thị Bích Hạnh