Khi “chuyển đổi số” có thể thành “chuyển đổi đời”
24/04/2025 13
Trong bức tranh phát triển đầy biến động của thời đại số, chuyển đổi số (CĐS) đã và đang mở ra những cánh cửa mới cho ngày càng nhiều nhóm xã hội. Tuy nhiên, cộng đồng người khuyết tật (NKT) lại thường xuyên bị lãng quên hoặc đứng ngoài lề của quá trình này.
Các doanh nghiệp ở Sơn La, Lào Cai (trong đó có cả các doanh nghiệp của người khuyết tật) tham gia học hỏi kinh nghiệm bán hàng trên mạng xã hội từ Lụa Đũi Nam Cao (Thái Bình) trong khuôn khổ dự án IDAP. Ảnh: NVCC
Trong khi đó, chuyển đổi số có thể là công cụ giúp họ vượt qua rào cản về địa lý, thể chất và cả những định kiến vô hình. Vậy làm sao để hỗ trợ đúng cách, đưa CĐS trở thành đòn bẩy sinh kế có hiệu quả cho người yếu thế?
Mở ra cánh cửa sinh kế mới
Qua quan sát, chúng tôi nhận thấy rằng, một trong những khó khăn lớn nhất với NKT không phải là khuyết tật thể chất mà là khuyết tật trong niềm tin. Sự tự ti kéo dài và ánh nhìn e dè từ gia đình, cộng đồng khiến họ ngại bước ra khỏi “vùng an toàn”. Họ quen sống thu mình, nhận trợ cấp, phụ thuộc vào gia đình và nghĩ rằng đó là cách tồn tại duy nhất.
Tuy nhiên, những NKT, kể cả ở mức độ nặng, gặp khó khăn khi làm việc ở ngoài trời, hoàn toàn có thể tự tin xin việc và thậm chí là tự kinh doanh. Nếu có trình độ về công nghệ thông tin, chỉ cần ở mức căn bản, các bạn đã có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ tại nhà một cách hiệu quả, tạo thu nhập cho cá nhân và gia đình. Dựa vào mạng xã hội, các bạn có thể giới thiệu, quảng bá thông tin về công ty của mình tới cộng đồng.
Thực tế, nhiều bạn trẻ là người khuyết tật đã chủ động tìm đến chương trình của chúng tôi – Chương trình “Hòa nhập người khuyết tật trong đổi mới công nghệ”, thuộc dự án IDAP để học kĩ năng thiết kế trên Canva, tạo nội dung trên TikTok, quản lý Fanpage trên Facebook và kết nối Zoom. CĐS trở thành đòn bẩy tâm lý, giúp họ thấy giá trị của bản thân trong xã hội hiện đại.
Phần lớn người khuyết tật tại Sơn La và Lào Cai vẫn đang vận hành sinh kế của mình một cách truyền thống: trồng chè, bán nông sản, làm đồ gỗ, sửa chữa điện tử, hoặc kinh doanh tạp hóa tại nhà. Cũng giống như những tiểu thương không có công cụ quảng bá, cộng với những giới hạn về thể chất khiến họ chỉ có thể dựa vào nguồn khách và thương lái quen thuộc nên thu nhập luôn trong tình trạng bấp bênh. Tuy nhiên, khi được tiếp cận với các công cụ kỹ thuật số – như lập fanpage, sử dụng TikTok, đăng tải sản phẩm lên Facebook, Zoom để kết nối – họ đã bắt đầu hình dung ra một thế giới khách hàng rộng lớn hơn nhiều so với bán kính vài cây số xung quanh nhà mình.
Một ví dụ điển hình là gia đình NKT bán chè ở vùng cao, trước đây hoàn toàn không biết chữ, đã bước đầu học cách đưa sản phẩm của mình lên mạng xã hội. Hay một bạn trẻ khuyết tật vận động đang kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ – dù chưa từng sử dụng máy tính, nay đã có mong muốn học cách quay video giới thiệu xưởng sản xuất, và tìm hiểu về TikTok như một kênh tiếp cận khách hàng.
Đây là minh chứng cho giá trị cốt lõi của CĐS bao trùm: không chỉ dừng ở việc trao cho NKT một công cụ công nghệ, mà là trao quyền – quyền được tiếp cận, quyền được học, và quan trọng nhất là quyền được làm chủ sinh kế của chính mình.
Hỗ trợ như thế nào?
Trong một buổi tọa đàm trực tuyến của chúng tôi “Người khuyết tật bước ra khỏi vùng an toàn” tổ chức vào tháng 2/2024, các diễn giả như Lê Việt Cường (Vụn Art, Hà Nội) chị Đinh Quỳnh Nga (Trái Tim hồng –Hà Nội), Nguyễn Hữu Hậu (Đồ gỗ mỹ nghệ Phúc Hậu, Ban vận động Hội Thanh niên Khuyết tật tỉnh Sơn La) đều đang điều hành Hợp tác xã, cơ sở sản xuất bán sản phẩm trên khắp cả nước, tuyển dụng nhiều người khuyết tật, đã chứng minh rằng NKT hoàn toàn có thể tự chủ.
Nhưng điều kiện là họ phải có kĩ năng phù hợp và hệ sinh thái hỗ trợ: các chính sách nhà nước, sự tham gia của doanh nghiệp xã hội, tổ chức phi chính phủ, và các chương trình đào tạo bền vững. Chỉ khi có sự đồng hành từ nhiều phía, người khuyết tật mới có thể tiếp cận CĐS một cách công bằng và hiệu quả. Đây là điều mà NKT ở Việt Nam đang rất thiếu.
Doanh nghiệp Nghị Lực Sống đã đào tạo CNTT cho hàng nghìn học viên khuyết tập, giúp các học viên có thêm các kỹ năng xin việc, tạo lập cuộc sống và hòa nhập xã hội. Ảnh: NVCC
Hiện nay, mạng lưới công ty tuyển dụng và hỗ trợ người khuyết tật chủ yếu tập trung ở thành phố lớn và không có nhiều các buổi tọa đàm, tập huấn, ngày hội để đưa những hệ sinh thái đã phát triển này đến với những NKT ở những vùng xa xôi, hẻo lánh khác.
Tận dụng sức mạnh của các công cụ số, chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi gặp online để tăng khả năng kết nối giữa các cá nhân NKT và mạng lưới doanh nghiệp, hợp tác xã, cộng đồng hỗ trợ đang hoạt động mạnh mẽ. Nhiều người khuyết tật trước đây kinh doanh độc lập, ít tiếp xúc với các mô hình khác, nay có cơ hội học hỏi từ các cơ sở đã ứng dụng CĐS thành công ở các tỉnh, đặc biệt là tại Hà Nội.
Chúng tôi cũng tổ chức các ngày hội trực tiếp như Ngày hội Chuyển đổi số tại Lào Cai và tại Sơn La (đều vào tháng 2/2025), ở đó, những người khuyết tật kinh doanh tại nhà, chủ cơ sở sửa chữa điện tử, hay sinh viên khuyết tật đang học ngành Sư phạm Lịch sử, tiếng Anh… đã có dịp giao lưu, chia sẻ, và thậm chí bắt đầu những kết nối đầu tiên cho mô hình hợp tác sau này. CĐS trong trường hợp này không còn là công cụ cá nhân, mà trở thành phương tiện tạo nên “cộng đồng nghề nghiệp số” cho người khuyết tật – thứ mà trước đây họ hiếm khi có được, đặc biệt ở vùng núi, vùng sâu.
Bên cạnh sự kết nối, kỹ năng số cũng là điểm nghẽn trong cộng đồng NKT. Mặc dù CĐS có nhiều tiềm năng, nhưng làm sao để có một chương trình “đo ni đóng giày” với điều kiện và đặc điểm của người khuyết tật, để họ thực sự nắm bắt được những tiềm năng đó lại là một vấn đề khác.
Phần lớn NKT hiện nay chỉ sử dụng điện thoại để lên Facebook, TikTok với mục đích giải trí, chưa biết quản trị fanpage, chưa từng dùng Canva, không biết cách chỉnh sửa ảnh sản phẩm, viết nội dung bán hàng hoặc xử lý dữ liệu khách hàng. Sự thiếu hụt này khiến họ gần như đứng ngoài cuộc đua kinh doanh số dù có sẵn sản phẩm và dịch vụ chất lượng.
Với mục tiêu thu hẹp khoảng cách này, chúng tôi đã tổ chức các lớp tập huấn ngắn ngày và kết hợp hướng dẫn thực hành tại chỗ. Những kỹ năng như viết nội dung bằng AI, quay video sản phẩm, chỉnh sửa bằng ứng dụng miễn phí, sử dụng Zoom để giao tiếp với khách hàng… được truyền tải theo cách đơn giản, trực quan, phù hợp với đặc thù từng dạng khuyết tật.
Nhiều người lần đầu tiên biết rằng chính họ có thể tự xây dựng thương hiệu cá nhân online, tự chụp ảnh sản phẩm, giới thiệu dịch vụ và duy trì quan hệ khách hàng mà không cần bước ra khỏi nhà. Đây là thay đổi có tính cách mạng với một nhóm vốn bị xem là “bên lề thị trường lao động”.
Một khó khăn khác, tưởng như nhỏ nhặt nhưng lại hết sức quan trọng. Phần lớn NKT…không có điều kiện dùng máy tính! Thực tế cho thấy, phần lớn người khuyết tật vẫn sử dụng điện thoại thay vì máy tính – điều này hạn chế khả năng tiếp cận các công cụ chuyên sâu. Nhiều người không có điều kiện tài chính để đầu tư thiết bị, nâng cấp mạng hoặc mua phần mềm. Và thậm chí nếu có, họ vẫn gặp rào cản từ chính gia đình – những người vẫn mang tư tưởng bảo bọc hoặc thiếu niềm tin vào khả năng học hỏi của con em mình.
Không chỉ là “đổi số” mà là đổi đời
Chuyển đổi số bao trùm là một hành trình không dễ dàng, nhưng hoàn toàn khả thi nếu có cách tiếp cận đúng và sự hỗ trợ liên tục. Những kết quả bước đầu từ chương trình IDAP tại Lào Cai và Sơn La cho thấy: khi được trao công cụ, kỹ năng và niềm tin, người khuyết tật có thể chủ động tạo sinh kế, kết nối cộng đồng, và hòa nhập sâu vào nền kinh tế số.
Câu chuyện không dừng lại ở việc bán thêm vài ký chè hay tăng đơn hàng qua TikTok – mà là hành trình tự thân của những con người từng nghĩ rằng thế giới số là một cánh cửa đóng chặt với họ, nay đã học được cách tự mở ra, bước vào, và góp tiếng nói của mình. Và đó chính là ý nghĩa lớn nhất của chuyển đổi số bao trùm.
Nguyễn Hồng Giang
Chuyên gia “Hòa nhập người khuyết tật trong đổi mới công nghệ”
Dự án IDAP tại Lào Cai và Sơn La.
Bài đăng KH&PT số 1340 (số 16/2025)
Nguyễn Hồng Giang
Nguồn:http://khoahocphattrien.vn