Chấp nhận độ trễ: Một tất yếu trong KH&CN?

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

24/04/2025 15


Không chỉ chấp nhận sự rủi ro, các nhà quản lý cũng cần chấp nhận cả độ trễ và coi đó là một tất yếu trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, trước khi nhìn thấy tác động của nó trong thực tiễn.

Phòng thí nghiệm Tế bào gốc, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

Phòng thí nghiệm Tế bào gốc, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

Lâu nay vẫn tồn tại định kiến rằng các nhà khoa học Việt Nam không làm ra được công nghệ tiên tiến, hiện đại hoặc nếu có làm ra được sản phẩm công nghệ nào đó thì lại là thứ mà doanh nghiệp và xã hội không cần. Phải chăng nhà khoa học Việt Nam chỉ quen làm những đề tài “cất ngăn kéo” và làm phí hoài tiền của đầu tư từ ngân sách nhà nước?

Những định kiến đau nhói, dễ gây tổn thương như vậy cứ tồn tại ngày này sang ngày khác trong các cuộc trao đổi diễn ra khắp nơi, từ bàn nghị sự đến báo chí và mạng xã hội. Người ta vẫn thường chỉ để ý thông tin bề mặt mà không biết rằng, trong khoa học, việc làm ra cái mới, cái chưa có, đặc biệt là đột phá, trong một thế giới đầy rẫy những điều đã biết, bản thân nó đã chứa đựng rất nhiều bất định, không thể lường trước và việc được công nhận hay ứng dụng trong thế giới thực cần đến rất nhiều thời gian. Như hai mặt của một đồng xu, tinh thần chấp nhận rủi ro và độ trễ đã tồn tại trong lịch sử phát triển của KH&CN như một lẽ đương nhiên. Khoa học Việt Nam không hẳn không có những điều tương tự.

Trong một hội thảo diễn ra vào đầu năm 2021 tại Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, giáo sư Nguyễn Quang Liêm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Vật liệu, đã cho biết, vào những năm 2000, các nhà khoa học của viện đã tạo ra được những chấm lượng tử (quantum dots QDs) màu xanh rất đẹp trong phòng thí nghiệm. Mặc dù ông không nói một cách cụ thể và chi tiết hơn về chấm lượng tử này nhưng dân trong nghề thì biết rằng, trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn của Việt Nam, đó chính là một kết quả đáng tự hào. Thông thường, những hạt tinh thể bán dẫn với kích thước vài nano mét có tính chất điện và quang khác biệt so với những hạt có kích thước lớn hơn nhờ hiệu ứng lượng tử mà chúng ta gọi là chấm lượng tử. Các hạt đặc biệt này có thể có nhiều màu sắc khác nhau tùy vào kích thước và thành phần vật liệu. Màu xanh (có thể màu xanh lam hoặc xanh lá cây) cho thấy chấm lượng tử mà các nhà khoa học Việt Nam tạo ra trong phòng thí nghiệm là các hạt có kích thước nhỏ, khoảng năng lượng vùng cấm (energy band gap) cao nên bước sóng ngắn hơn trong khi chấm lượng tử có kích thước lớn hơn chỉ phát ra màu đỏ hoặc vàng.

Như hai mặt của một đồng xu, tinh thần chấp nhận rủi ro và độ trễ đã tồn tại trong lịch sử phát triển của KH&CN như một lẽ đương nhiên. Khoa học Việt Nam không hẳn không có những điều tương tự.

Dĩ nhiên chấm lượng tử được tạo ra không chỉ để ngắm trong phòng thí nghiệm, nó hứa hẹn đem lại nhiều giá trị cho nhiều ngành công nghiệp, ví dụ như để làm ra màn hình tinh thể lỏng với màu sắc sống động, chất lượng hình ảnh cao; ứng dụng trong y sinh với các thiết bị chụp ảnh, phân phối thuốc, chẩn đoán; ứng dụng trong sản xuất đèn LED với ánh sáng chất lượng cao; tạo ra các cảm biến với nhiều tính năng để dò hóa chất, ánh sáng; góp phần tạo ra các tấm pin Mặt trời nhờ năng lực hấp thụ và chuyển đổi ánh sáng…

 

Cơ hội chuyển giao thành tựu đó của các nhà khoa học Việt Nam có lớn không? Để đi đến kết cục ấy, câu chuyện còn phức tạp hơn nhiều so với những gì người ta có thể tưởng tượng. Trên thực tế thì chấm lượng tử, thành quả nghiên cứu ban đầu của các nhà vật lý Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam này, mới chỉ ở trong không gian phòng thí nghiệm mà không chuyển giao được cho doanh nghiệp. Trong vô số lý do dẫn đến sự nghẽn mạch chuyển giao, có một số điểm quan trọng là sự sẵn sàng đón nhận của doanh nghiệp, sự sẵn sàng chuyển giao của một công nghệ hoàn thiện, sự sẵn sàng ủng hộ của hành lang pháp lý... Khi chưa hội tụ đủ sự sẵn sàng này, sản phẩm không thể chuyển giao.

Khoảng cách giữa phòng thí nghiệm và ngành công nghiệp này, trong trường hợp chấm lượng tử, và rất nhiều kết quả nghiên cứu khác của khoa học Việt Nam, góp phần làm nên cái mà giới khoa học vẫn gọi là độ trễ của công nghệ. Giáo sư Nguyễn Quang Liêm, trong cuộc trả lời phỏng vấn trên báo Đại biểu nhân dân vào tháng 6/2023 cũng từng giải thích “Độ trễ là nói về thời gian từ khi có kết quả nghiên cứu đến khi nó phát huy tác dụng, được ứng dụng trong đời sống và sản xuất. Nghiên cứu cần phải có đủ thời gian để đạt được kết quả nhưng thời gian dành cho nghiên cứu không gọi là độ trễ”.

Việc chấp nhận độ trễ trong KH&CN không có gì khác ngoài việc các nhà hoạch định chính sách đánh giá một cách thấu đáo cả chu trình phức tạp, nhiều giai đoạn của R&D và xây dựng những chính sách xóa bỏ điểm nghẽn về cơ chế đầu tư, cơ chế tuyển dụng nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở vật chất, cơ chế chuyển giao công nghệ... đồng thời với việc ban hành các cơ chế khuyến khích nhà khoa học hợp tác với doanh nghiệp. Và hơn nữa, duy trì một môi trường khoa học nghiêm cẩn, lành mạnh và liêm chính để tạo dựng sự phát triển lành mạnh của tri thức và niềm tin xã hội.

Tuy nhiên, với những người ở ngoài thế giới khoa học, độ trễ trong nghiên cứu dường như vẫn khó chấp nhận và nhà khoa học vẫn thường bị hàm oan. Điểm nghẽn trong nhận thức và cả trong chính sách ấy cứ tồn tại mà chưa thể tháo bỏ. Do đó, Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đang được kỳ vọng sẽ phá vỡ điểm nghẽn quan điểm này, khi nêu rõ “Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”.
Độ trễ từ đâu?
“Toàn bộ cuộc cách mạng công nghiệp này gần như không thể thực hiện được nếu không có sự phát triển của khoa học. Khả năng ngày nay tạo ra được lượng thực phẩm đủ đáp ứng nhu cầu của một lượng dân số đông, kiểm soát dịch bệnh – thực tế là toàn bộ những gì đạt được này đều từ lao động của những con người tự do chứ không phải công sức của nô lệ - rất có thể là kết quả từ sự phát triển của khoa học”, nhà vật lý đoạt giải Nobel năm 1965 Richard Feynman từng nói như vậy trong chương trình Horizons của BBC, sau được tập hợp thành “Richard Feynman, The pleasure of finding things out” (Richard Feynman, Niềm vui của việc phát hiện ra mọi thứ).

Dù có vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy những tiến bộ trong xã hội nhưng con đường từ một kết quả nghiên cứu mới đến thực tiễn phải trải qua rất nhiều công đoạn, hai nhà khoa học Evangelos E. Georgalis và Elias C. Aifantis phân tích trong bài báo “Introducing time delay in the evolution of new technology: the case study of nanotechnology”. Độ trễ trong KH&CN có thể xuất hiện ở những giai đoạn đó, từ nghiên cứu và phát triển ban đầu cho đến việc các công nghệ mới được xã hội chấp nhận, và chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau. Thứ nhất, đó là thời gian cần thiết để cộng đồng học thuật và giới công nghiệp hiểu được tầm quan trọng của nó; thứ hai là thời gian cần thiết để hướng dẫn các nhà khoa học và kỹ sư theo hướng mới (bao gồm cả thời gian đào tạo họ); thứ ba là thời gian cần thiết để đạt được những kết quả ban đầu đầy hứa hẹn từ các nghiên cứu cơ bản); thứ tư là thời gian cần thiết để chuyển đổi từ quy mô thí điểm sang quy mô sản xuất công nghiệp.

Có thể thấy, trong số những nhân tố góp phần hình thành độ trễ của KH&CN, có một số nhân tố liên quan trực tiếp đến nhà khoa học, xuất hiện ở các giai đoạn đầu hình thành công nghệ. Bởi lẽ, thường có một khoảng cách đáng kể giữa nghiên cứu khoa học cơ bản tạo ra kiến ​​thức mới so với việc ứng dụng của nó trong việc phát triển các công nghệ mới. Khoảng cách đó chính là thời gian để nghiên cứu, phát triển và tinh chỉnh, bồi đắp thêm nhằm chuyển đổi một khám phá khoa học thành công nghệ tin cậy. Trong giai đoạn này, nhà khoa học cần hợp tác với các doanh nghiệp và việc trao đổi về một công nghệ mới, một sản phẩm mới để doanh nghiệp hiểu được tiềm năng và tầm quan trọng của chúng.

Dẫu từ những ý tưởng trong cộng đồng khoa học đến việc hình thành công nghệ đã có độ trễ nhưng độ trễ này vẫn nhỏ hơn so với những độ trễ về sự chấp nhận của xã hội và doanh nghiệp bởi sự khác biệt về tri thức.

Do đó, thời gian trễ tưởng chừng hoang phí nhưng lại cần thiết để doanh nghiệp và thậm chí các nhà hoạch định chính sách chấp nhận công nghệ mới. Sau khoảng thời gian này, chính phủ và doanh nghiệp mới bắt đầu rót vào thứ công nghệ hứa hẹn các khoản tài trợ và nhiều nhà khoa học bắt đầu được khuyến khích gia nhập lĩnh vực này để tham gia hoàn thiện công nghệ. Tuy nhiên, “việc chuyển giao công nghệ mới không diễn ra một cách tự động. Đầu tiên, cần có một cơ sở hạ tầng mới, và để đạt được điều đó, cần phải thuyết phục được doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách. Sau đó, các nhà khoa học tiếp tục tham gia để tối ưu công nghệ và tạo ra những sản phẩm mới. Tất cả đều đòi hỏi thời gian”, theo Evangelos E. Georgalis và Elias C. Aifantis.

 

Mặc dù nhiều thách thức như vậy nhưng việc tạo ra một sản phẩm tốt và lý tưởng vẫn chưa thật sự hứa hẹn về một tương lai tốt đẹp của công nghệ mới trên thị trường. Số phận của công nghệ và sản phẩm từ công nghệ còn phụ thuộc vào những yếu tố khác nữa, một trong số đó là sự chấp nhận của thị trường. Dẫu từ những ý tưởng trong cộng đồng khoa học đến việc hình thành công nghệ đã có độ trễ nhưng độ trễ này vẫn nhỏ hơn so với những độ trễ về sự chấp nhận của xã hội và doanh nghiệp bởi sự khác biệt về tri thức.

Câu chuyện về chấm lượng tử của các nhà khoa học Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là một trong những ví dụ tiêu biểu cho thấy, trên thực tế, phần nhiều sản phẩm giới khoa học làm ra đều quá mới với xã hội, thậm chí là đi trước cả nhu cầu xã hội. Khi đó, độ trễ cũng có thể gia tăng bởi người tiêu dùng cần có thời gian làm quen và chấp nhận một sản phẩm mới và các công ty sử dụng công nghệ có được các tiêu chuẩn mới cho sản phẩm. Một trong những sản phẩm cần đến sự chấp nhận của xã hội là cây trồng biến đổi gene và cây trồng chỉnh sửa gene. Theo chia sẻ của TS. Đỗ Tiến Phát, Viện Sinh học (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) tại diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, diễn ra vào tháng 9/2024, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã “có một số thành công trên thực vật, cả ở nghiên cứu cơ bản lẫn tạo giống cây trồng, trong đó tạo giống nhiều cây trồng quan trọng ở Việt Nam như dưa chuột, lúa, đu đủ, đậu tương… với nhiều phẩm chất vượt trội”, còn đồng nghiệp của anh là TS. Nguyễn Khánh Vân (Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ tế bào động vật, Viện Chăn nuôi) cho biết “Viện chúng tôi đã tạo được phôi lợn kháng bệnh tai xanh”, một căn bệnh khiến nhiều trang trại nuôi lợn khiếp sợ bởi tỷ lệ lợn chết rất cao, có thể tới 100%.

Tuy nhiên, con đường đưa những sản phẩm mới này vào thực tiễn lại gặp rất nhiều rào cản, đặc biệt từ chính sách quản lý chưa kịp cập nhật với chuyển động mới của công nghệ lẫn sự nghi ngờ của nhiều nhóm phản đối trong xã hội. Xét trên quan điểm khoa học, “chỉnh sửa gene được coi là đột biến chính xác và không bị áp các quy chế về biến đổi gene như đánh giá an toàn sinh học, đánh giá sức khỏe cây trồng, vật nuôi. Vì vậy, chúng ta cần xem lại quy chế đối với chỉnh sửa gene của chúng ta bởi chỉnh sửa gene vẫn bị coi như biến đổi gene”, giáo sư Lê Huy Hàm nhận xét về tình thế khó khăn này.

Phải chăng việc chưa thật sự thông hiểu về sự tồn tại đương nhiên của độ trễ mà khoa học bị hàm oan và do đó, chưa thể phát huy được năng lực của mình?
Chấp nhận độ trễ như thế nào?
Đây là một câu hỏi khó. Mặc dù Nghị quyết 57 đã nhấn mạnh đến tinh thần chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo nhưng để nghị quyết đi vào cuộc sống, cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể để các nhà quản lý có thể vận dụng tinh thần này trong đầu tư cho KH&CN. Khi chưa có được những văn bản hướng dẫn đó thì chưa thể tháo gỡ được sự lấn cấn của các nhà quản lý. Trong cuộc làm việc giữa đoàn công tác của chính phủ tại Bộ KH&CN vào tháng 10/2024, đại diện Bộ Tài chính có chia sẻ quan điểm của mình “Các nhà khoa học hay nói phải có độ trễ nhưng phải làm sao đó để có độ trễ ngắn nhất và sản phẩm đó đáp ứng vấn đề của doanh nghiệp. Chỉ sau một hai năm hoặc ngay trong quá trình nghiên cứu đó, doanh nghiệp có thể tiếp cận triển khai thì hiệu quả sẽ nhân lên nhiều lần”.

Khi nói đến độ trễ, người ta thường e ngại các nhà khoa học sẽ vin vào đó để duy trì độ trễ kéo dài mãi mãi cho sản phẩm nghiên cứu của mình mà không bỏ công bỏ sức đến việc phải ứng dụng trong thực tế và đương nhiên tận hưởng nguồn lực đầu tư của nhà nước, một nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nói. Dĩ nhiên, độ trễ không phải vô chừng và nhà khoa học không nên vin vào điều đó để lơ là trách nhiệm của mình nhưng“làm sao đó để có độ trễ ngắn nhất và sản phẩm đó đáp ứng vấn đề của doanh nghiệp” như mong muốn của đại diện Bộ Tài chính thì cần rất nhiều vào sự thúc đẩy từ chính sách. “Dẫu hiện nay, ở một số lĩnh vực nhất định như AI hoặc một số công nghệ số, độ trễ đã được rút ngắn nhờ độ sẵn sàng của công nghệ tại nhiều quốc gia tiên tiến nhưng nhìn chung, để được xã hội chấp nhận và đi vào cuộc sống, một công nghệ vẫn cần đến khoảng thời gian vài chục năm”, nhà khoa học ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhận xét.

Vậy trên thực tế, độ trễ của KH&CN thường ở mức nào? Evangelos E. Georgalis và Elias C. Aifantis thử nêu trường hợp của công nghệ nanno. Khởi nguồn từ các khái niệm ban đầu trong bài giảng của Feynman ở Viện công nghệ Caltech vào những năm 1960 thì phải hai thập niên sau, thuật ngữ công nghệ nano mới được nhắc đến trong các tài liệu khoa học. Tuy nhiên, mãi đến năm 2000, với sáng kiến ​​của Tổng thống Mỹ lúc đó là Bill Clinton, lĩnh vực này mới có ​​sự phát triển nhanh chóng trên toàn thế giới và xuất hiện các thuật ngữ “vật liệu nano”, “cơ học nano”, “vật lý nano”, “sinh học nano”, và “y học nano” để rồi tiếp theo là các nghiên cứu liên quan và các hoạt động công nghiệp và thương mại tương ứng. Trong trường hợp của điện thoại di động, độ trễ vào khoảng 50 năm (kể từ nguyên lý truyền thông được phát triển cho mục đích quân sự của Chiến tranh Thế giới Thứ hai vào những năm 1940 đến việc sử dụng rộng rãi trong xã hội là những năm 1990), trong trường hợp của các transistor và các mạch tích hợp, độ trễ ngắn hơn bởi vì tầm quan trọng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, trong trường hợp của truyền hình kỹ thuật số, độ trễ vượt quá con số 50 năm.

Khi không thể loại trừ được độ trễ thì có cách nào rút ngắn được độ trễ - điều này tương đương với việc vừa thúc đẩy được quá trình chuyển giao công nghệ, tri thức ra ngoài xã hội mà vẫn vẫn đảm bảo được sự tôn trọng KH&CN cần thiết và chấp nhận bản chất vốn có của nó. Nhìn vào bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong phát triển công nghệ nano, có thể thấy rất nhiều quốc gia đã mạnh dạn triển khai các chính sách thúc đẩy một cách bền vững. Trong những năm 2000, Mỹ đã lập sáng kiến Công nghệ nano quốc gia (NNI) trong vai trò dẫn dắt, qua đó ngân sách chính phủ đầu tư từ 464 triệu USD năm 2001 lên tới gần 1,8 tỉ USD trong năm 2010. Đầu tư công toàn cầu trong R&D cũng chạm tới 8,4 tỉ USD vào năm 2008, cùng với 8,6 tỉ USD của doanh nghiệp.

Nguồn tài trợ cho công nghệ nano tiếp tục nóng lên. Năm 1998, Michael Roco, Giám đốc chương trình của Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ (NSF) cho biết trên MIT news, tài trợ của riêng NSF đã đạt 65 triệu USD năm 1997 và dự kiến ​​sẽ tăng lên 70 triệu USD trong năm 1998 và ngành công nghiệp quốc gia này có lẽ đang chi một khoản tiền tương đương cho nghiên cứu của riêng mình.

Có một điểm mà Evangelos E. Georgalis và Elias C. Aifantis lưu ý, nếu kéo dài độ trễ trong quá trình phát triển công nghệ mới có thể dẫn đến việc từ bỏ công nghệ đó trước khi đưa vào sản xuất công nghiệp. Do đó, chính sách đầu tư bền vững vào công nghệ của các chính phủ không chỉ cho thấy quyết tâm chính trị ở tầm quốc gia mà còn tạo dựng niềm tin của doanh nghiệp và xã hội với những công nghệ mới. Do đó, thời gian trễ cần thiết để họ chấp nhận công nghệ mới cũng sẽ rút ngắn, ví dụ doanh nghiệp có thể chủ động xây dựng các trung tâm R&D tại doanh nghiệp để chủ động mời nhà khoa học tới làm việc và tiếp nhận công nghệ mới. Đó cũng là lý do mà Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông từ những năm 2000 đã thành lập Phòng thí nghiệm hợp chuẩn quốc gia TCVN 17025: 2001 trong những năm 2000, để làm bước đà mở rộng hợp tác và đón nhận các giải pháp mới, những công nghệ mới từ các nhà khoa học ở ĐH Bách khoa HN, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam để rồi trong vòng 10 năm từ một công ty ở bên bờ vực phá sản trở thành một công ty lớn mạnh trên thị trường nội địa và có sản phẩm xuất khẩu.

 

Mặt khác, việc phân bổ các dòng tài trợ từ chính phủ và doanh nghiệp sẽ giúp thu hút nhiều nhà khoa học hơn tham gia vào phát triển công nghệ. Từ đó, độ trễ và cả độ rủi ro sẽ không chỉ được giới hạn mà còn có thể tạo ra đột phá.

Việc chấp nhận độ trễ trong KH&CN không có gì khác ngoài việc các nhà hoạch định chính sách đánh giá một cách thấu đáo cả chu trình phức tạp, nhiều giai đoạn của R&D và xây dựng những chính sách xóa bỏ điểm nghẽn về cơ chế đầu tư, cơ chế tuyển dụng nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở vật chất, cơ chế chuyển giao công nghệ… đồng thời với việc ban hành các cơ chế khuyến khích nhà khoa học hợp tác với doanh nghiệp. Và hơn nữa, duy trì một môi trường khoa học nghiêm cẩn, lành mạnh và liêm chính để tạo dựng sự phát triển lành mạnh của tri thức và niềm tin xã hội.

Mới đây, Nghị quyết 71/NQ-CP sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ban hành cũng ghi rõ “Sửa đổi quy định pháp luật để tháo gỡ điểm nghẽn trong hoạt động KH&CN và ĐMST theo hướng chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”.

Ở thời điểm vẫn còn chờ những văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để hiện thực hóa quan điểm chấp nhận rủi ro và độ trễ trong KH&CN thì nhiều nhà khoa học đã cảm thấy háo hức về triển vọng của một chính sách đúng đắn. “Việc chấp nhận độ trễ trong nghiên cứu khoa học mà Nghị quyết 57 nhấn mạnh có ý nghĩa rất lớn, đây chính là điều kiện tiên quyết để phát triển các lĩnh vực có tính kế thừa cao, như công nghệ sinh học, chọn tạo giống cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu”, TS. Chu Đức Hà, trường Đại học Công nghệ, (ĐHQGHN) chia sẻ trên Tiền phong vào tháng 3/2025.
Bài đăng KH&PT số 1340 (số 16/2025)

Thanh Nhàn

Nguồn:http://khoahocphattrien.vn