Đoàn công tác C06 (Bộ Công an) làm việc với UBND tỉnh về triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số
10/05/2025 28
Sáng 9.5, tại trụ sở UBND tỉnh, Đoàn công tác của Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) do Đại tá Vũ Văn Tấn, Cục trưởng C06 làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về tình hình triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22.12.2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng trên địa bàn tỉnh.
Cục trưởng C06 Vũ Văn Tấn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: UBND tỉnh
Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng thành viên Ban Chỉ đạo về Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh và đại diện một số doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông đóng trên địa bàn.
Triển khai hiệu quả Đề án 06
Bình Định là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai Đề án 06, với hệ thống văn bản chỉ đạo đồng bộ, gồm 1 chỉ thị của Tỉnh ủy, 33 quyết định và 163 công văn của UBND tỉnh. Tỉnh đã triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo phương châm “5 rõ”: “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm”.
Trong lĩnh vực thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến, Bình Định đã đạt được những thành tựu đáng kể, với việc triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu có tỷ lệ giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt 94-100%. Toàn tỉnh có 1.230 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (chiếm 66%), với 85% hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến và 99,81% hồ sơ được giải quyết đúng hạn. Đặc biệt, tỷ lệ số hóa thành phần hồ sơ đạt 99,88%, vượt xa chỉ tiêu 80% mà Chính phủ giao.
Trong lĩnh vực phát triển công dân số, Công an tỉnh đã thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chip cho hơn 1,6 triệu người, với tỷ lệ cấp tài khoản định danh điện tử đạt 99,6%, trong đó 92,12% đã được kích hoạt và sử dụng.
Chủ động triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW
Triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW, tỉnh Bình Định đã thể hiện quyết tâm cao trong việc hoàn thiện thể chế, coi đây là trụ cột quan trọng để thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Việc ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực đầu tư công phù hợp đã giúp xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh đầu tư hạ tầng số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đời sống và cải cách hành chính. Những bước đi bài bản này đang góp phần từng bước đưa Bình Định trở thành điểm sáng của cả nước về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên số.
Chuyển đổi số lan tỏa sâu rộng
Chuyển đổi số đã được triển khai mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực: Hệ thống thông tin giải quyết TTHC kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia; 100% TTHC có phí đều thanh toán trực tuyến; 100% cơ sở y tế thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; 60,37% trường tiểu học sử dụng học bạ số; 90% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Đặc biệt, Trường ĐH Quy Nhơn đang xây dựng Đề án đào tạo 7.500 nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghệ mũi nhọn đến năm 2030.
Bình Định là một trong những tỉnh sớm ban hành kế hoạch chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng. Đến nay, đã kết nối đường truyền dữ liệu đến 58 xã, phường trung tâm; đưa vào sử dụng các phần mềm như Cổng ứng dụng cơ quan Đảng, sổ tay đảng viên điện tử, hệ thống giám sát thực hiện nghị quyết… góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành.
Khó khăn và thách thức
Bên cạnh kết quả đạt được, Bình Định vẫn còn một số vướng mắc như: Tỷ lệ sử dụng chữ ký số và tài khoản VNeID trong thực tế còn thấp; khó khăn trong số hóa tài liệu cấp huyện do khối lượng lớn và ảnh hưởng từ việc sáp nhập hành chính; một số phần mềm trong cơ quan Đảng triển khai chậm so với tiến độ.
Chỉ đạo của Cục trưởng C06
Phát biểu tại buổi làm việc, Đại tá Vũ Văn Tấn ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Bình Định trong triển khai toàn diện và hiệu quả các nhiệm vụ. Ông nhấn mạnh việc cần sớm hoàn tất số hóa hồ sơ trong cơ quan Đảng, đảm bảo dữ liệu có thể tái sử dụng cho các quy trình điện tử. Để đảm bảo tính bảo mật, Cục trưởng C06 đề nghị Công an tỉnh phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy đánh giá danh mục tài liệu mật trước khi số hóa theo nguyên tắc “giải mật đến đâu thì số hóa đến đó”.
Cục trưởng giao Công ty Tecapro phối hợp hỗ trợ tỉnh thực hiện ba nội dung trọng tâm: số hóa dữ liệu, triển khai sổ tay đảng viên điện tử, ứng dụng phần mềm quản lý ý kiến chỉ đạo của Đảng.
Tại buổi làm việc, Đại tá Tấn đã giải đáp 26 kiến nghị liên quan đến khó khăn trong triển khai Đề án 06, Nghị quyết 57-NQ/TW và chuyển đổi số, đồng thời thảo luận các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thời gian tới.
Buổi làm việc là dịp quan trọng để các bên rà soát khó khăn, đưa ra giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện các đề án, góp phần xây dựng chính quyền điện tử, xã hội số tại Bình Định trong thời gian tới.
HỒNG HÀ