Chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương: Hướng đi nào cho Bình Định?

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

09/05/2025 33


Trong bối cảnh đổi mới sáng tạo (ĐMST) trở thành động lực cốt lõi cho phát triển bền vững, Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (Provincial Innovation Index - PII) đang được xem là thước đo năng lực điều hành, sáng tạo và chuyển đổi số của các địa phương. Bình Định đang từng bước xác định vị trí của mình trong “bản đồ sáng tạo quốc gia” và tìm kiếm hướng đi phù hợp để nâng cao hiệu quả chỉ số này.

Tại Hội thảo khoa học “Cải thiện và nâng cao Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) của tỉnh Bình Định” do Sở KH&CN tỉnh phối hợp tổ chức vào ngày 5/5/2025, nhiều chuyên gia và nhà quản lý đã cùng phân tích, đánh giá thực trạng PII của tỉnh và đề xuất các giải pháp cải thiện.

Ông Nguyễn Hữu Hà - Phó Giám đốc Sở KH&CN Bình Định nhấn mạnh nâng cao PII là quá trình tạo dựng nền tảng phát triển bền vững dựa trên tri thức, công nghệ và sáng tạo. Ảnh: Hồng Hà

Theo kết quả công bố, năm 2024 Bình Định xếp hạng 22/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về PII năm 2024, tăng 1 bậc so với năm trước và đứng thứ 4/14 trong khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Điểm PII tổng thể đạt 37,88, trong đó điểm đầu vào là 43,48 và đầu ra là 32,28. Một số trụ cột như thể chế, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn những “khoảng trống” cần tiếp tục đầu tư.

Bình Định được đánh giá có nhiều tiềm năng để bứt phá trong lĩnh vực ĐMST. Hạ tầng khoa học công nghệ - giáo dục của tỉnh đang dần hình thành hệ sinh thái riêng biệt, với các đầu mối quan trọng như Khu đô thị khoa học Quy Hòa (Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn), Trung tâm Khoa học và Giáo dục liên ngành, và Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo. Cùng với đó là dư địa ứng dụng công nghệ cao trong các ngành chủ lực như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch thông minh, chế biến và công nghiệp hỗ trợ, gắn với định hướng phát triển bền vững và chuyển đổi số.

Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn không ít thách thức. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chỉ đạt 1,10%; doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mới 9,54%; nhân lực KH&CN đạt 9,38 người/10.000 dân, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) hiện chỉ ở mức 0,04% GRDP - còn khá khiêm tốn. Bên cạnh đó, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo địa phương vẫn chưa hoàn thiện, thiếu liên kết và cơ chế vận hành hiệu quả.

“Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với KH&CN, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới. Tuy nhiên, vị trí này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và khát vọng vươn lên của Bình Định” - ông Nguyễn Hữu Hà, Phó Giám đốc Sở KH&CN nhận định.

Ông Hà cũng cho biết: “Để cải thiện PII, tỉnh xác định một số hướng đi then chốt như: phát triển sản phẩm trí tuệ, sáng tạo và công nghệ; đẩy mạnh R&D; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực KH&CN chất lượng cao; đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ hệ sinh thái ĐMST địa phương”.

PGS.TS Từ Diệp Công Thành - Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ cho rằng Bình Định cần tận dụng hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có để cải thiện chỉ số PII. Ảnh: Hồng Hà

Ngoài ra, các chuyên gia cũng kiến nghị tỉnh cần đẩy mạnh liên kết giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, xây dựng các tổ chức trung gian chuyển giao công nghệ, thúc đẩy thị trường KH&CN.

“Tỉnh đang thiếu một đơn vị trung gian có thể dịch ngôn ngữ doanh nghiệp thành tài sản trí tuệ, từ đó tạo ra đóng góp thực chất và bền vững cho hệ sinh thái sáng tạo,” PGS.TS Từ Diệp Công Thành - Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (ĐHQG TP.HCM) chia sẻ.

Việc thực hiện Kế hoạch 166/KH-UBND ngày 5/9/2024 của UBND tỉnh Bình Định về cải thiện PII giai đoạn 2024 - 2030 được kỳ vọng sẽ cụ thể hóa các mục tiêu nêu trên. Đồng thời, duy trì các diễn đàn đối thoại giữa chính quyền - doanh nghiệp - viện trường cũng được xem là giải pháp thiết thực giúp Bình Định định hình chính sách và mô hình ĐMST phù hợp với thực tiễn địa phương.

Từ những đánh giá tại hội thảo, có thể thấy hướng đi cho Bình Định trong cải thiện PII không nằm ở việc chạy theo thứ hạng, mà là kiến tạo một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững, có chiều sâu và bản sắc riêng. Muốn vậy, tỉnh cần tập trung vào các “điểm đột phá” như: khai thác hiệu quả các thiết chế khoa học công nghệ hiện có, nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành các tổ chức trung gian chuyển giao công nghệ, đồng thời thúc đẩy doanh nghiệp trở thành trung tâm của đổi mới. Đặc biệt, việc đồng bộ hóa các chính sách hỗ trợ và tăng chi đầu tư cho R&D chính là then chốt để “kích hoạt” năng lực sáng tạo nội sinh - yếu tố còn nhiều dư địa nhưng chưa được khai mở đúng mức.

Chỉ khi các chủ thể trong hệ sinh thái - chính quyền, doanh nghiệp, viện trường - cùng nhìn về một hướng và hành động quyết liệt, Bình Định mới có thể bứt phá khỏi “vùng an toàn” về tư duy lẫn cơ chế, tiến gần hơn với mục tiêu trở thành địa phương có năng lực đổi mới sáng tạo dẫn đầu khu vực miền Trung.

HỒNG HÀ