CHÀO MỪNG NGÀY KH&CN VIỆT NAM 18/5: Nghị quyết 57-NQ/TW: Ba trụ cột chiến lược đưa Bình Định vươn tầm
16/05/2025 51
Với quyết tâm cao và tầm nhìn chiến lược, tỉnh Bình Định đang tích cực triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Những kết quả ban đầu đáng khích lệ đang dần khẳng định vai trò của Bình Định như một điểm sáng về khoa học-công nghệ tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng phát biểu chỉ đạo tại phiên họp Ban Chỉ đạo về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Bình Định. Ảnh: Hồng Hà
Động lực mới cho sự phát triển đột phá
Nghị quyết 57-NQ/TW đã mở ra hướng đi chiến lược cho sự phát triển của đất nước trong thời đại số, đặt nền móng vững chắc cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Phát biểu tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo về phát triển Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: “Nghị quyết 57-NQ/TW là động lực, mở ra cánh cửa để tỉnh và đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới. Tổng Bí thư và Bộ Chính trị rất quan tâm đến việc triển khai nghị quyết này, vì vậy tất cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành phải triển khai quyết liệt, nhanh chóng, hiệu quả”.
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Tỉnh ủy Bình Định đã nhanh chóng cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 32-CTr/TU và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND, thể hiện sự nghiêm túc, chủ động trong tiếp cận và hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước.
Ba trụ cột chiến lược định hình tương lai
Bình Định đã xác định rõ ba trụ cột chủ đạo trong việc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW, gồm: phát triển khoa học-công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số toàn diện.
Ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định chia sẻ: “Triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Bình Định đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu. Sở KH&CN đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện hiệu quả bốn nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn và an ninh mạng. Song song đó, Sở đã tham mưu UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Khu Công nghệ thông tin tập trung Bình Định, nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, việc phối hợp với Trường ĐH Quy Nhơn và Sở Giáo dục & Đào tạo đã giúp tỉnh hoàn thiện Đề án phát triển nguồn nhân lực về công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn, an ninh mạng trên địa bàn tỉnh và Đề án phát triển giáo dục STEM cho học sinh các cấp giai đoạn 2025-2030, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai.
Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo - điểm nhấn trong phát triển giáo dục STEM và truyền cảm hứng khoa học cho thế hệ trẻ Bình Định. Ảnh: Hồng Hà
Trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, tỉnh đang tập trung hỗ trợ Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) phát triển nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng và ngoại giao khoa học. Đồng thời, tỉnh cũng đang hỗ trợ Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE) phát triển trở thành viện nghiên cứu khoa học tầm quốc gia và quốc tế.
Về đổi mới sáng tạo, Bình Định đang tích cực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và đã tổ chức thành công Diễn đàn Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia lần thứ 6 tại Bình Định vào năm 2025.
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, tỉnh đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể. Chúng tôi đã tập trung phát triển hạ tầng số đồng bộ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình chuyển đổi số, triển khai các nền tảng ứng dụng thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Đây là những bước tiến quan trọng, tạo tiền đề vững chắc cho việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin của tỉnh trong thời gian tới, đồng thời góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Nghị quyết 57-NQ/TW”.
Một trong những điểm sáng là việc tổ chức Lớp tập huấn ứng dụng AI trong cơ quan nhà nước, giúp cán bộ, công chức được trang bị kiến thức và kỹ năng về ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào công việc hàng ngày.
Bà Nguyễn Thị Hồng Sĩ, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh chia sẻ: “Việc ứng dụng AI đã mang lại hiệu quả đáng kể cho hoạt động xúc tiến đầu tư của chúng tôi. Từ khâu xây dựng kế hoạch, AI giúp phân tích và cụ thể hóa các mục tiêu theo từng lĩnh vực, từng dự án. Khi làm việc với nhà đầu tư, công cụ này hỗ trợ chúng tôi trình bày rõ ràng về lợi thế cạnh tranh của địa phương, cũng như cơ hội và giá trị mà họ có thể đạt được khi lựa chọn Bình Định là điểm đến đầu tư. Đây là minh chứng cụ thể cho thấy giá trị thiết thực của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý nhà nước”.
Quyết tâm triển khai hiệu quả
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh: “Tỉnh đã nghiên cứu rất kỹ các cơ chế, chính sách, điều kiện cụ thể theo đặc thù của Bình Định so với các địa phương khác để xây dựng khung chính sách phù hợp với đặc thù của Bình Định”.
Tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo về phát triển Khoa học, Công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số tỉnh Bình Định, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: Thời gian qua, tỉnh đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, xem đây là động lực, cơ hội để bứt phá. Các cấp, ngành cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết này.
Về phát triển nhân lực và giáo dục STEM, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo khẩn trương phê duyệt, triển khai hiệu quả các đề án liên quan; đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại tại Trung tâm Khám phá Khoa học và Đổi mới sáng tạo, Trường ĐH Quy Nhơn.
Lớp tập huấn ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản lý nhà nước - trang bị kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, công chức tỉnh Bình Định. Ảnh: Hồng Hà
Về hợp tác quốc tế: Giao UBND tỉnh phối hợp với ICISE triển khai đề án nâng cấp Viện IFIRSE theo hướng chuyên sâu, đẳng cấp quốc tế; đẩy mạnh thu hút chuyên gia, nhà khoa học, trong đó có thể xem xét hỗ trợ nhà ở. Về đổi mới sáng tạo: Yêu cầu tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, kết nối với hệ sinh thái quốc gia và các trường đại học. Về giáo dục chuyên sâu: Sở GD&ĐT và Trường ĐH Quy Nhơn xây dựng chương trình phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu trong các lĩnh vực bán dẫn, AI, an toàn - an ninh mạng. Về chuyển đổi số: Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận chủ trì xây dựng Đề án “Bình dân học vụ số”. UBND tỉnh đẩy nhanh triển khai dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo -Đô thị phụ trợ tại Long Vân. Sở KH&CN và Trường ĐH Quy Nhơn xây dựng chương trình đào tạo chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan Đảng triển khai số hóa hồ sơ, ứng dụng sổ tay đảng viên điện tử.
Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và những bước đi cụ thể, Bình Định đang từng bước hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo đà cho sự phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới. Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18.5 năm nay càng có ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu những nỗ lực quan trọng của tỉnh trên con đường hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
HỒNG HÀ