Quay lại

Chào Mừng Ngày Khoa Học Và Công Nghệ Việt Nam 18.05

Kích cỡ chữ:A+ |A |A-

19/05/2023 : 14:05

Khoa học, công nghệ đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội

Hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh Bình Định những năm qua đã phát triển đúng định hướng, bám sát những yêu cầu thực tiễn và từng bước khẳng định vai trò động lực trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.

Điều này được thể hiện trên nhiều phương diện như: Nghiên cứu, cung cấp các luận chứng, phục vụ các ngành trong tỉnh trong việc hoạch định chính sách hỗ trợ việc quản lý, phát triển của ngành; Các hoạt động KH&CN hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KH&CN phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng cho sản phẩm hàng hóa, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

Nhiều giống cây trồng có năng suất cao đã được nghiên cứu và đưa vào sản xuất, góp phần hình thành các diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn có giá trị. Ảnh: KL

Trong lĩnh vực xã hội nhân văn, các nhiệm vụ nghiên cứu đã có nhiều đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ ban hành các chính sách về nâng cao chất lượng giảng dạy; hỗ trợ phát triển ngành du lịch; bảo tồn và gắn với việc phát triển các yếu tố văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh; cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng cao, thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng và điều kiện biến đổi khí hậu của tỉnh đã được nghiên cứu, chuyển giao thành công, góp phần thúc đẩy việc hình thành các vùng rừng trồng sản xuất gỗ lớn, hình thành chuỗi liên kết để nâng cao giá trị và tạo thu nhập cho người dân. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo bước đầu đã được ứng dụng để dự báo tình trạng sâu bệnh hại lúa, giúp giải quyết những vấn đề phát sinh trong nông nghiệp, góp phần thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Trong lĩnh vực y tế, thời gian qua, nhiều thành tựu y học hiện đại đã được nghiên cứu, ứng dụng vào phục vụ công tác khám, điều trị bệnh, kiểm soát bệnh tật, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Trong đó, nổi bật là các nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong sản xuất thuốc điều trị ung thư tại Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar) hay nghiên cứu xây dựng mô hình sàng lọc ung thư vú dựa vào y tế cơ sở cho phụ nữ trong độ tuổi nguy cơ.

Lĩnh vực kỹ thuật công nghệ đã tập trung nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ để phục vụ chế biến sâu đối với các sản phẩm nông sản, sản phẩm chế biến sau thu hoạch nhằm giảm thiểu lượng hao hụt sau thu hoạch. 

Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài – Phó Giám đốc Sở KH&CN Bình Định cho biết: Trong thời gian qua, KH&CN đã có những đóng góp tích cực trong việc hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; thể hiện qua chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP của tỉnh. Đóng góp của TFP giai đoạn 2020-2025 đạt 38%, tăng so với mức khoảng 34% đạt được trong giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, tốc độ đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2020-2025 có khả năng đạt từ 17-20%, tăng so với 13% đạt được trong giai đoạn 2015-2020. Đây là chỉ số thể hiện rất rõ sự đóng góp của KH&CN nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo được xem là những biểu tượng cho tầm nhìn và sự đầu tư chiến lược của Bình Định dành cho KH&CN. Ảnh: KL

Xác định công tác nghiên cứu, ứng dụng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển ngành KH&CN nên trong thời gian qua Sở KH&CN Bình Định đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức thực hiện các đề tài nghiên cứu thực nghiệm và áp dụng vào thực tế sản xuất. Bên cạnh đó, công tác quản lý công nghệ và tài sản trí tuệ cũng được đẩy mạnh. Từ năm 2021 đến nay, Sở KH&CN tỉnh Bình Định đã hỗ trợ 18 sản phẩm đặc trưng của các huyện, thị xã, thành phố đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp dưới dạng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có gắn với tên địa danh. Đồng thời, đang tiến hành thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ quốc gia với nhiệm vụ “Xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của tỉnh Bình Định”. Hỗ trợ 10 doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử và 10 doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ số để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Xây dựng 04 mô hình điểm tại các doanh nghiệp để triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc; thành lập 04 doanh nghiệp KH&CN mới; hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp ra nước ngoài cho 04 sản phẩm, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ cho 03 sản phẩm sáng tạo, nghiên cứu khoa học; thành lập 01 tổ chức trung gian thị trường KH&CN... Triển khai có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Định giai đoạn 2019 - 2025”.

Ngoài ra, Sở KH&CN Bình Định cũng đang tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện trình Trung ương triển khai thí điểm Đề án “Phát triển Khu đô thị khoa học Quy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” với định hướng phát triển Quy Nhơn thành một thành phố khoa học hàng đầu của Việt Nam. Trong tương lai, đây là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu, gặp gỡ của các nhà khoa học quốc tế; phát huy chất xám trong nghiên cứu khoa học, gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học và hoạt động phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài, tạo động lực thúc đẩy phát triển khoa học.

Đặc biệt, Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo trực thuộc Sở KH&CN Bình Định chính thức đưa vào hoạt động từ cuối tháng 4.2022 đến nay đã trở thành điểm du lịch trải nghiệm khoa học, góp phần đưa Bình Định trở thành điểm đến thú vị cho khám phá khoa học và giáo dục khoa học. Ngành KH&CN tỉnh đang có kế hoạch kiến nghị Bộ KH&CN hỗ trợ phát triển Trung tâm phát triển thành cơ sở nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ nhằm thực hiện Chiến lược phát triển và ứng dụng KH&CN vũ trụ đến năm 2030 của Chính phủ.

KHÁNH LINH

 

Tin liên quan